Ngân hàng không thể quá kỳ vọng vào VAMC
Lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho rằng, để xử lý được nợ xấu không thể kỳ vọng quá nhiều vào Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC).
Sau hơn nửa năm chuẩn bị với nhiều tranh luận, một giải pháp cụ thể và được xem là có sức nặng để xử lý nợ xấu ngân hàng sắp chính thức hình thành. VAMC có thể có số vốn ban đầu là 500 tỷ đồng để mua các khoản nợ xấu trong hệ thống tín dụng thông qua việc phát hành trái phiếu.
Theo thông tin từ Ngân hàng HSBC, thì cả việc tất bật chuẩn bị cho ra mắt VAMC và động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa rồi, sẽ chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý và không có tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa.
Riêng đối với việc VAMC sắp ra đời, lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, họ không quá kỳ vọng.
Theo chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng, để xử lý nợ xấu hiện nay bản thân ngân hàng phải là người chủ động bằng cách trích lập dự phòng. Ngoài trích lập dự phòng chung, ngân hàng còn phải trích lập dự phòng riêng theo quy định. Đồng thời, để giải quyết được bài toán nợ xấu, ông Dũng cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, không thể chỉ kỳ vọng vào VAMC.
“Nợ xấu phát sinh, chúng tôi sẵn sàng hy sinh phần lợi nhuận để trích lập dự phòng đầy đủ, cho dù lợi nhuận thu về trong hoạt động sụt giảm, nhưng đó mới là giải pháp an toàn. Đồng thời, trong quá trình phát triển tín dụng, ngân hàng sẽ phải cân nhắc và sàng lọc kỹ để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu phát sinh”, ông Dũng cho biết.
Ở một khía cạnh khác, ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc Mekong Bank lại cho rằng, vì con số nợ xấu hiện tại của Việt Nam theo ông là chưa rõ ràng, do chưa áp dụng tính toán theo chuẩn quốc tế, nên theo ông Chong, việc VAMC ra đời sẽ giúp “vẽ nên một bức tranh rõ ràng, minh bạch hơn” về tình hình nợ xấu hiện nay. Còn về việc ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC, ông Chong cho rằng, đó chỉ là giải pháp giãn nợ, giúp các ngân hàng tránh được thua lỗ tạm thời. Kết thúc cuộc chơi, nếu VAMC vẫn không thể “thanh lý” được, ngân hàng vẫn là những người người phải chịu trách nhiệm chính về các khoản nợ xấu của họ.
Còn ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank đưa ra nhận định, để giải quyết được nợ xấu, trước hết ngân hàng phải dựa vào nội lực. Bên cạnh việc trích lập dự phòng, theo ông Trung, bản thân ngân hàng cũng từng bước làm việc với doanh nghiệp có nợ xấu để tháo gỡ dần nút thắt, giúp doanh nghiệp có thêm động lực vượt qua khó khăn thì cơ hội để thu hồi vốn, giảm nợ xấu là điều đang được ngân hàng nỗ lực, sát cánh cùng với doanh nghiệp. VAMC ra đời sẽ là điều kiện tốt giúp các ngân hàng thương mại trong việc giãn nợ, nhưng không thể giải quyết được hết tất cả những khó khăn về nợ xấu của ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, có một điều khiến vị lãnh đạo của HDBank băn khoăn, đó chính là, dường như nợ xấu hiện đang được dư luận xem chỉ là của riêng ngân hàng và ngân hàng phải tự xử lý.
Trong khi đó, theo lý giải của ông Trung, nợ xấu tăng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng, đó là, diễn biến xấu của thị trường đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thế nhưng, trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các khoản nợ quá hạn hiện nay còn có nhiều khó khăn, ngay cả khi phía vay đồng ý phát mãi tài sản thế chấp. Bởi thủ tục pháp lý rườm rà, nên ngân hàng và doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian, chi phí để giải quyết công việc tưởng như đơn giản này.
Cụ thể hơn, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, sau khi phát sinh nợ xấu, phải mất tới 6 tháng sau mới có thể ra đưa vụ việc ra xử lý tại cơ quan tố tụng. Không những vậy, ngay cả khi khách hàng chấp nhận giao bất động sản cho ngân hàng bằng cách bán tài sản, nhưng món hàng đảm bảo đó vẫn chưa thể tham gia quá trình lưu thông, bởi không có hóa đơn tài chính hợp lệ. Lý do bởi, nếu xuất hóa đơn, doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế, trong khi họ đang thua lỗ.
Đến nay NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tái cơ cấu được một phần nợ xấu bằng cách giãn nợ, khoanh nợ bằng sử dụng dự phòng rủi ro khoảng 4%. Phần còn lại khá lớn sẽ phải xử lý bằng nhiều cách, trong đó thành lập VAMC có ý nghĩa quyết định.
Thông tin bước đầu cho biết, nguồn vốn chủ yếu của VAMC dùng để mua nợ xấu các tổ chức tín dụng là qua phát hành trái phiếu. Loại trái phiếu đặc biệt này trở thành tài sản của các tổ chức tín dụng, được dùng để cầm cố vay tái cấp vốn tại NHNN khi có nhu cầu. Tuy nhiên, quy mô và tỷ lệ xử lý nợ xấu không phải là mục tiêu chính của VAMC, mà là phân loại những khoản nợ xấu đáp ứng được các điều kiện đặt ra.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cảnh báo, nợ xấu có thể làm cho cung ứng tín dụng của ngân hàng tắc nghẽn và nếu xử lý nợ xấu không thận trọng sẽ làm sụp đổ thị trường bất động sản. Vì thực tế, các ngân hàng đang ồ ạt phát mãi tài sản thế chấp.
Minh Trí
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo