Nên xem xét mở “room” cả với các nhà băng lớn, thay vì chỉ cho phép nới “room” cho các nhà băng yếu kém.
Thông tin về việc Chính phủ đang xem xét cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên 49% trong tương lai gần khiến không ít lãnh đạo nhà băng kỳ vọng sẽ được nâng “room” cho đối tác chiến lược ngoại, thay vì chỉ có mức tối đa 30% như hiện nay.
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng đã lên kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, với tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, nếu việc mở “room” lên 49% được thực thi sớm, Ngân hàng sẽ tính đến việc bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Theo ông Phú, việc mở “room” lên đến 49% là một tín hiệu tích cực, nên cần tranh thủ thu hút dòng vốn ngoại vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Khi đó, một dòng tiền thực từ nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng, nên lĩnh vực ngân hàng sẽ tốt hơn so với hiện nay.
Chủ tịch HĐQT một nhà băng khác cũng nêu quan điểm, Chính phủ nên nới “room” cho các ngân hàng thương mại lên tới 49%. Bởi theo lý giải của vị này, ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam còn non trẻ, quản trị điều hành của nhiều nhà băng yếu kém, năng lực tài chính hạn chế. Đặc biệt, trước bối cảnh thị trường khó khăn đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngành và đòi hỏi phải tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng, nên cần thu hút nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực tài chính, cũng như kinh nghiệm quản lý.
Là một trong những nhà băng đã bán hết “room” được phép cho cổ đông chiến lược nước ngoài (30%), nhưng người đứng đầu ABBank, ông Vũ Văn Tiền cho biết, nếu được phép mở “room”, Ngân hàng sẽ bán thêm cổ phần cho cổ đông nước ngoài và đối tác chiến lược nước ngoài của ABBank là IFC (hiện nắm giữ 10%).
Trên thực tế, nhiều ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, với tỷ lệ 10 - 20% và nhận được sự hỗ trợ không ít từ các cổ đông chiến lược. Chẳng hạn, Eximbank đã bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho biết, với sự đồng hành và hỗ trợ của SMBC, trong 5 năm qua, Eximbank đã liên tục phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới cho thị trường, củng cố vững chắc vị thế là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam.
Từ một ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 2.800 tỷ đồng và tổng tài sản 33.000 tỷ đồng vào năm 2007, đến cuối năm 2012, Eximbank đã trở thành ngân hàng có vốn điều lệ đạt 12.355 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 170.000 tỷ đồng…
Các ngân hàng khác, như OCB, PVBank, Techcombank… cũng luôn được cổ đông nước ngoài sát cánh. Vì thế, các nhà băng mong được nới “room” lên 49%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại TP.HCM cho rằng, việc nới “room” là cần thiết trong việc thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, song một khi “cánh cửa” lĩnh vực tài chính - ngân hàng được mở để thu hút vốn ngoại, thì Chính phủ Việt Nam cần xem xét mở “room” cả với các nhà băng lớn, quy mô, thay vì chỉ cho phép nới “room” cho các nhà băng yếu kém.
Lý do là, nếu chỉ nới room đối với nhà băng nhỏ, yếu kém đang buộc tái cơ cấu chưa hẳn sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, khi tham gia điều hành ở những nhà băng lớn, nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo một chuyên gia trong ngành, các nhà đầu tư nước ngoài rất kỹ lưỡng trong việc xem xét rót vốn, đặc biệt là với lĩnh vực còn nhiều hạn chế như tài chính - ngân hàng Việt Nam. Vì thế, dù được nới “room” lên 49%, song chưa hẳn các nhà đầu tư ngoại đã hào hứng bỏ vốn vào các ngân hàng yếu kém của Việt Nam, nhất là khi nợ xấu của những nhà băng này đang ở mức cao và cơ quan quản lý yêu cầu phải tái cơ cấu thông qua hình thức mua bán – sáp nhập (M&A).
Theo Đầu Tư