Thị trường

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng việc đồng loạt giảm lãi suất

(DNVN) - Theo khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc cho giảm lãi suất điều hành là để hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ngày 7/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.

Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.

Ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước).

Còn lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Nói về việc này, ông Nguyễn Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, việc điều hành để giữ ổn định mặt bằng lãi suất gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao, tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm, Trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài hơn, Fed tăng lãi suất 2 lần. Diễn biến thực tế cho thấy có thời điểm một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động chủ yếu là kỳ hạn trên 12 tháng.

Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều tiết thanh khoản hệ thống hợp lý để hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất, triển khai họp với các ngân hàng có thị phần lớn để nắm tình hình và yêu cầu các ngân hàng thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Kết quả, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng mặt bằng lãi suất của các TCTD vẫn được giữ ổn định. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm và 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên...

Theo ông Long, trên cơ sở đánh giá diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm, tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ 2016, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội giao; hoạt động ngân hàng, thanh khoản của các TCTD có diễn biến tích cực, để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp nên NHNN quyết định điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất và khả năng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

 

"Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các TCTD chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng mức phí cho vay hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các TCTD giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ NHNN khi có nhu cầu", ông Long nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong thời gian tới, đồng bộ với giải pháp điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của NHNN về lãi suất.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo