Thị trường

Ngân hàng Nhà nước sẽ buôn vàng thế nào?

Tới đây Ngân hàng Nhà nước được trao quyền quyết định mua bán vàng miếng. Nhưng với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải đơn vị kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước sẽ “buôn vàng” thế nào?

Làm thế nào để không lỗ?

Theo dự thảo trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để có thể nhập khẩu vàng kịp thời. Nguyên tắc khi mở tài khoản vàng ở nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ phải ký quỹ 10%. Bởi vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ không mất nhiều ngoại tệ và không gây ảnh hưởng lên tỷ giá.

Dự thảo cũng quy định rõ Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ được mua, nhập khẩu vàng về ngang bằng với số lượng đã bán trong nước. Vì thế Ngân hàng Nhà nước khi tham gia vào thị trường luôn phải cân bằng trạng thái vàng. Tuy nhiên, với sự biến động giá vàng khó lường, nếu lãi thì chẳng sao, còn lỗ thì ai chịu?

Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ quy ước theo số lượng vàng chứ không quy đổi theo ngoại tệ.

Theo ông Hưng, khi tham gia để can thiệp bình ổn thị trường vàng, giả sử Ngân hàng Nhà nước bán đi một lượng thì lập tức sẽ mua về một lượng để bù lại. Vì thế giá vàng có thể biến động mạnh nhưng trong cơ cấu vẫn tuân thủ theo quy định tỷ lệ đó.

“Trước đây các ngân hàng, doanh nghiệp nhập khẩu vàng về, họ phải đi gom một lượng ngoại tệ. Điều này dễ tác động lên tỷ giá. Nay Ngân hàng Nhà nước xuất nhập khẩu trực tiếp và khi đó Ngân hàng Nhà nước có thể nắm bắt diễn biến thị trường để chủ động khối lượng cần thiết không gây biến động tỷ giá vàng thị trường ngoại tệ cũng như ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối”, ông Hưng nói.

Nên lập công ty kinh doanh vàng thuộc Ngân hàng Nhà nước

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh. Có thể Ngân hàng Nhà nước tham gia để bình ổn thị trường nên không tính đến lời lỗ. Song, đã có hoạt động kinh doanh, thì rủi ro trong quá trình mua bán, xuất khẩu nhập là khó tránh.

 

 

 

Ảnh minh họa.



Theo phó giám đốc một công ty kinh doanh vàng, vì mục tiêu bình ổn, quản lý thị trường vàng và trong một số trường hợp đặc biệt Ngân hàng Nhà nước có thể thành lập công ty trực thuộc.

Với 100% của nhà nước và công ty này được giao nhiệm vụ kinh doanh. Muốn làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước phải có đề án kinh doanh rõ ràng. Trong đó phải nêu rõ vốn pháp định của công ty này là bao nhiêu.

Chẳng hạn vốn pháp định của công ty này là 1.000 tỷ đồng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ quy đổi 1.000 tỷ ấy tương đương bao nhiêu lượng vàng. Giả sử là 20.000 lượng thì coi như Ngân hàng Nhà nước cấp vốn bằng vàng là 20.000 lượng.

“Trong đề án kinh doanh vàng của công ty này, Ngân hàng Nhà nước phải nêu rõ những rủi ro khi giá vàng biến động thì xử lý ra sao. Ví dụ Ngân hàng Nhà nước cấp vốn cho công ty này là 20.000 lượng vàng, cuối năm giá vàng giảm mạnh thì công ty này vẫn còn nguyên 20.000 lượng vàng. Nhưng khi hạch toán ra tiền thì bên cấp vốn bị lỗ và chúng ta buộc phải chấp nhận rủi ro này. Thế nên trước khi thực hiện xuất, nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần thành lập công ty riêng để kinh doanh vàng”, vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo vị phó giám đốc trên, mục đích thành lập công ty này để giải quyết một nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể là bình ổn thị trường vàng. Nên khi không cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể giải thể công ty này cũng là phù hợp với thị trường.

Trên thế giới, cũng có một số ngân hàng trung ương, quỹ tài chính thành lập một tổ chức, hoặc một công ty trung gian để kinh doanh. Công ty đó được cấp vốn bằng vàng.

 

 

Đoàn Huế (Theo TPO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo