Thị trường

Ngân hàng và khách hàng cùng than

Nhiều doanh nghiệp Đà Nẵng kêu khó tiếp cận vốn vay ưu đãi, bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Trong khi các ngân hàng trên địa bàn lại cho rằng đã gửi thông báo hạ lãi vay dư nợ xuống dưới 15% nhưng phải dài cổ chờ khách.
 
Ngân hàng bảo dài cổ chờ
Gửi dễ, vay khó
 
Tại buổi trao đổi giữa doanh nghiệp, ngân hàng thương mại với lãnh đạo TP Đà Nẵng, anh Lê Văn Hiểu, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng kiến nghị: Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã chỉ đạo thành phố dự phòng 3.000-5.000 tỷ đồng bảo lãnh cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn vay vốn ưu đãi ngân hàng.
 
 
Doanh nghiệp kêu gửi dễ, khó vay. Ảnh: Nguyễn Huy
 
Nhưng đến nay, hầu hết đều khó tiếp cận nguồn vốn từ sự bảo lãnh này. Nhiều đơn vị gửi hồ sơ nhưng bị “nghẽn” không được giải quyết.
 
Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Cty TNHH Chuyển giao công nghệ K&H (Đà Nẵng) đồng tình: Thành phố hiện chưa ra văn bản quy định cụ thể về các tiêu chí, điều kiện để được bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Cứ nói chung chung như thế nên DN rất khó tiếp cận.
 
“Năm 2013 này, lạm phát có xu hướng gia tăng, các ngân hàng có cam kết “bình ổn” lãi suất cho vay để hỗ trợ, đồng hành cùng hay lại tăng lãi vay?”, ông Khải đặt câu hỏi.
 
Theo ông Lê Văn Đường, Giám đốc Cty TNHH Nhật Linh (Đà Nẵng): Nghịch lý ở chỗ, ngân hàng huy động vốn tiền gửi của khách hàng rất nhanh, gọn nhẹ. Chỉ cần tiếng đồng hồ, với tờ giấy có thể nhận gửi hàng trăm tỷ đồng. Nhưng khi cho vay thì khó khăn, rầy rà thủ tục, khiến DN vuột mất nhiều cơ hội làm ăn.
 
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng thừa nhận: Ở nước ngoài, người dân gửi tiền cực kỳ khó, bị ngân hàng “hành” cả ngày về lý lịch, nguồn gốc tiền gửi. Nhưng ở ta, dễ cái này mà lại khó cái kia.
 
Các DN nên chia sẻ quy trình ngân hàng, do nhận từ nhiều người mà lại cho vay với số tiền lớn nên phải có thời gian thẩm tra, thẩm định.
 
Ông Minh lưu ý: Các ngân hàng trên địa bàn cần lưu ý cơ hội làm ăn của DN là cơ hội làm ăn của ngân hàng nên trong điều kiện phù hợp phải linh hoạt, không cứng nhắc. Việc ổn định lãi suất vay, theo ông Minh: không chỉ DN mà ngân hàng cũng mong muốn, tuy nhiên thực tế lại khá khó khăn và phụ thuộc vào sự chung tay của nhiều ban ngành chức năng.
 
Ngân hàng: Dài cổ chờ
 
Thống kê NHNN chi nhánh Đà Nẵng: Đến cuối năm 2012, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện vay hỗ trợ lãi suất đạt hơn 55 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ lãi suất gần 9,6 tỷ đồng. Thực hiện dư nợ cho vay với lãi suất dưới 15%, Đà Nẵng đạt 82% tổng dư nợ, còn lại gần 7.900 tỷ đồng dư nợ vẫn còn lãi suất trên 15%, tập trung chủ yếu ở khối ngân hàng thương mại cổ phần.
 
Theo ông Lê Văn Hiển, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng SHB Đà Nẵng: Đơn vị thực hiện giảm lãi suất cho vay dưới 15% cho các đơn vị đăng ký, nhưng chỉ đạt khoảng 50% tổng dư nợ.
 
“Chỉ cần thay đổi vài thông tin, điền vào vài thủ tục là được giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%. Nhưng chờ dài cổ doanh nghiệp không đến, gửi giấy báo không thấy hồi âm”, ông Hiển nói. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng: Nhiều doanh nghiệp thuộc diện nợ xấu, quá hạn nên dù được thông báo giảm lãi suất dư nợ cho vay, họ vẫn “sợ”, không đến!
 
Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương: Năm 2012, ngành ngân hàng trên địa bàn xuất hiện mâu thuẫn, nghịch lý như: Tỷ lệ huy động vốn tăng cao, trong khi vốn cho vay chỉ tăng nhẹ, tăng trưởng tín dụng thấp nhưng nợ xấu tăng cao...
 
Việc DN “than” khó tiếp cận vốn vay ngân hàng bảo lãnh, ông Khương lý giải: Phần lớn do họ không đảm bảo các tiêu chí, điều kiện bảo vay, như nợ quá hạn, thiếu báo cáo thẩm tra tài chính, kinh doanh... “Thành phố giao Sở KH&ĐT hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện bảo lãnh. Trước mắt, Đà Nẵng đang hoàn thiện bảo lãnh cho các dự án lớn: cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý... được vay vốn ngân hàng”, ông Khương nói.
 
 
 
 
Nhật Minh (Theo TPO)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo