Nghị quyết 02 của Chính phủ, tín hiệu khả quan cho năm mới
Ngay đầu năm 2013, khi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu ra đời, đã mang lại một sức sống mới cho nền kinh tế. Không chỉ giảm, giãn thuế, Nghị quyết 02 đã đi vào các giải pháp giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư; cứu thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu… Tất cả hứa hẹn một năm mới với nhiều tín hiệu khả quan.
Hỗ trợ thuế, vốn, đầu ra sản phẩm…
Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bằng chính sách tài chính, thuế vẫn là nội dung quan trọng giúp DN giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, Chính phủ gia hạn thuế cho DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động; giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014… Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 20% (hiện nay là 25%) kể từ 1-7-2013 đối với DN vừa và nhỏ - sớm hơn nửa năm so với quy định. Ngoài ra, để khuyến khích DN tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nghị quyết cũng áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN ở mức 10%, đồng thời giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu ra đối với nhà ở xã hội. Giảm 30% số thuế GTGT đầu ra từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014 đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay của DN sản xuất là hàng tồn kho, đồng vốn không quay vòng được… Giải quyết điều này, nghị quyết tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả, thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ; hỗ trợ DN xúc tiến bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại ngoài nước, sớm ký các hiệp định thương mại với các đối tác…
Song song với việc hỗ trợ đầu ra hàng hóa cho DN, Chính phủ cũng chăm lo nguồn vốn cho tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, dành từ 20 - 40 ngàn tỷ đồng thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý và thời hạn tối đa 10 năm tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước phục vụ cho vay.
Đối tượng chính sách sẽ sớm có nhà
Giải pháp phá băng thị trường bất động sản lần này của Chính phủ khá nhân văn khi đưa ra giải pháp hỗ trợ DN bất động sản bằng cách giải quyết đầu ra sản phẩm đến tay người nghèo, diện chính sách. Nghị quyết 02 cho phép chuyển các dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách (người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, sinh viên) và làm các công trình dịch vụ bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ, Chính phủ cũng quan tâm việc “làm sạch” thị trường bất động sản qua việc rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình DN, tổ chức tín dụng, đối tượng vay vốn và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản... Qua đó cũng đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh khoản của các tài sản này để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Để bơm vốn tiếp hỗ trợ đầu ra sản phẩm bất động sản, cũng là giúp diện chính sách có nhà ở, Nghị quyết 02 yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước dành tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m² với lãi suất thấp. Kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và cho vay đối với các DN xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý. Trong quý 1-2013 phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay các đối tượng trên để đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các khoản tín dụng này.
Như vậy, có thể thấy các giải pháp tài chính do Bộ Tài chính đề xuất với nhiều giải pháp được ban hành kịp thời, tháo gỡ trực tiếp cho DN, cho thị trường, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, đảm bảo năm 2013 sẽ có sức tăng trưởng mới.
Nhật Minh (Theo SGGP)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo