Nghịch lý càng siết, đầu tư công càng tăng
Con số dự án sử dụng vốn nhà nước tăng và tình trạng chậm tiến độ, lãng phí vẫn xảy ra.
Thực tế này vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phơi bày khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2013.
Theo đó, Bộ này chỉ ra trong số 35.379 dự án đầu tư sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên đang thực hiện đầu tư, có tới 12.988 dự án khởi công mới, chiếm 36,63%. Trong khi đó, tỷ lệ này của năm 2012 chỉ là 33,34%, còn năm 2011 là 36,82%.
Như vậy số dự án đầu tư công vẫn tăng dù rằng không ít ý kiến cho rằng cần phải siết đầu tư công.
Đáng nói hơn, có những địa phương quá nửa dự án đang triển khai là dự án khởi công mới.
Trong số này có Quảng Ninh có 262 dự án khởi công mới/416 dự án, chiếm 62,98%; Cao Bằng là 302/468 dự án, chiếm 64,53%; Bắc Kạn là 240/486 dự án, chiếm 49,38%; Lạng Sơn, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Ninh Thuận… và ngay cả TP. Hồ Chí Minh cũng nằm trong diện này.
Bộ Kế hoạch đầu tư cũng chỉ rõ trong năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 724 dự án có thất thoát, lãng phí. Con số này đã tăng gần như gấp đôi so với con số 368 dự án có thất thoát, lãng phí của năm 2012. Tổng vốn đầu tư của hơn 700 dự án này là 15.963 tỷ đồng và số tiền được xác định bị thất thoát, lãng phí là 74 tỷ đồng.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án gây thất thoát, lãng phí chủ yếu là có những chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Có thể thấy đây là một nghịch lý bởi trước tình trạng ngân sách khó khăn, việc siết đầu tư công đã không ít lần được đặt ra.
Mới đây tại kỳ họp thứ 6, chủ trương siết đầu tư công tiếp tục được đặt ra. Cũng tại kỳ họp này Quốc hội đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn bảo đảm tỷ lệ chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết.
Thế nhưng như báo cáo của Bộ KH&ĐT, số dự án mới vẫn mọc lên và thực tế thời gian qua không ít địa phương xây dựng trụ ở nguy nga như cung điện. Không chỉ trụ sở UBND tỉnh, tỉnh ủy, mà trụ sở các sở, ban, ngành cũng rất hoành tráng.
Phòng khách của cơ quan, phòng làm việc của các sếp đều sắm nội thất đắt tiền thuộc dạng quý hiếm với những bộ xalông đồ sộ, chạm khắc tinh xảo, có giá hàng trăm triệu làm bằng gỗ quý thuộc nhóm đặc biệt bị cấm khai thác như trắc, sến, cẩm lai… Có văn phòng còn trưng cả bộ ngà voi thật uy nghi, lộng lẫy.
Như Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước từng phản ánh với Quốc hội, rằng ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch.
Mới đây, khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả, bởi đó là cái gốc tham nhũng, lãng phí mà dường như lâu nay bị bỏ ngỏ.
“Cần chỉ rõ trách nhiệm cá nhân làm thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công là gì, nhất là ngay từ khâu tư vấn, thiết kế. Phải minh bạch trách nhiệm cá nhân mới có thể chặn được thất thoát, lãng phí như vừa qua”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) kiến nghị.
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói thẳng: “quyết định chủ trương đầu tư sai là cái gốc tham nhũng, lãng phí và đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân”.
Trong khi đó, quyết định chủ trương đầu tư chính là Quốc hội, hội đồng nhân dân. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn: nếu Quốc hội làm sai, quyết định chủ trương đầu tư sai thì cũng phải nhận khuyết điểm.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo