Thị trường

Người giàu khoe của: Mầm mống của bất ổn?

Những đại gia vô danh bỗng dưng nổi tiếng bởi sự xa hoa, lãng phí khi vung tay chi cả chục tỷ đồng cho một bữa tiệc cưới.
Dư luận về những đám cưới rình rang giữa quê nghèo dường như không còn ồn ã nữa nhưng dư âm của nó thì vẫn còn nguyên. Những "đại gia" vô danh bỗng dưng nổi tiếng bởi sự xa hoa, lãng phí khi vung tay chi cả chục tỷ đồng cho một bữa tiệc cưới. Điều này không lạ bởi lâu nay chúng ta đã quá quen với những màn "trình diễn" phô trương sự giàu có của những người được gọi là "sao"  của Việt Nam.
 
 
 
“Nhà giàu khoe của” đang là một hiện tượng xã hội bất bình thường, cổ súy cho lối sống suy tôn giá trị vật chất. Phóng viên GĐ&XH Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương và TS Xã hội học Khuất Thu Hồng xung quanh vấn đề này.

Biểu hiện của khủng hoảng

Ông, bà đánh giá thế nào về những đám  cưới bạc tỷ diễn ra thời gian gần đây, đặc biệt là đám cưới giữa quê nghèo Hà Tĩnh và đám cưới của  thiếu gia con "đại tỷ phú" thủy sản Cần Thơ?
 
TS Khuất Thu Hồng:

- Bản chất khi họ tổ chức những đám cưới như thế này là để khẳng định bản thân. Họ muốn khẳng định trong giới kinh doanh rằng: Kinh tế của tôi rất mạnh! Thông qua đó để tạo nên sự tin tưởng, duy trì mối quan hệ làm ăn với đối tác, xây dựng mối quan hệ tốt hơn nữa... Nhưng xét về ý nghĩa xã hội, theo tôi  thì những đám  cưới như vậy gây sự lãng phí không cần thiết.
 
Họa sĩ Lê Thiết Cương:

- Có thể do bao nhiêu năm nghèo khó rồi nên người ta muốn thỏa mãn "tâm lý tiểu nông" từng bị nghĩ mình nghèo (vật chất), nên họ muốn vươn lên cho bằng chị bằng anh. Để "kê" mình cao lên, họ không có gì khác để bấu víu ngoài việc chứng tỏ về vật chất. Ồn ã, vô nghĩa là vì vậy.

Bây giờ cụm từ "tiền tỷ" được nhắc đến rất nhiều, điều đáng nói là cụm từ đó dường như chủ yếu nói về việc "tiêu tiền" chứ không phải là lao động sản sinh ra tiền. Người giàu thì tự hào, người nghèo nhìn vào người giàu tấm tắc ngợi khen. Dường như sự giàu có đang được đề cao, suy tôn thậm chí là tôn sùng. Khi một xã hội quá tôn sùng giá trị vật chất có dẫn đến khủng hoảng không thưa ông, bà?
 
TS Khuất Thu Hồng:
 
- Xã hội hiện nay đa dạng, có người đề cao tài năng, có người đề cao tiền của. Không ít người cho rằng: Có tiền đồng nghĩa với có tài năng. Thời nào cũng thế. Của cải, tiền bạc là một giá trị nhưng quan trọng là đồng tiền đó chính đáng hay không chính đáng? Nếu chạy theo đồng tiền mà bỏ hết các giá trị khác thì đó chính là biểu hiện của khủng hoảng. Khi không có gì để bấu víu thì người ta bấu víu vào sự nổi tiếng về vật chất để khẳng định với thiên hạ.
 
Họa sĩ Lê Thiết Cương:

- Văn hóa mới là cái gốc, là giá trị đích thực để đo đếm giá trị một con người.

Thời gian gần đây, những "sự kiện" khiến dư luận "choáng" như mấy đám cưới " siêu khủng", những cô đang được gọi là "sao" suốt ngày khoe áo váy, khoe giày, xe... tiền tỷ mà chẳng thấy tài năng đâu! - Đó là biểu hiện của ít văn hóa.

Mầm mống sinh ra bất ổn xã hội là do khoảng cách quá lớn về chênh lệch giàu nghèo (vật chất). Tôi xin lấy dẫn chứng về câu chuyện phạm nhân Nguyễn Văn Luyện (vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang- PV). Cho đến bây giờ vẫn kết luận là Luyện không cờ bạc, không nghiện ngập. Vậy vì sao một người bình thường, không bị đẩy đến cùng đường lại ra tay sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng như vậy? Theo tôi, hành động phạm tội ấy suy đến cùng là do phạm nhân này nhìn đời bằng bản năng " Tao không thể chấp nhận chuyện mày giàu hơn tao" (?!).
 
Bây giờ người ta xô đẩy nhau để chạy theo giá trị vật chất. Việc những "đại gia" hay những "sao" khoe của là điển hình của việc này. Cô diễn viên nọ khoe mặc áo cả tỷ đồng là do gốc văn hóa kém. Cô ta không hiểu những thứ đó không làm cho cô ta lớn lên một chút nào. Hay như bà mẹ làm đám cưới tiền tỷ cho con, càng ở giữa quê nghèo thì càng không nên phô trương như thế. Việc đó không làm cho bà ấy "lớn" hơn mà càng làm cho bà ấy "bé" lại vì thiếu hụt về văn hóa.
 

Họa sĩ Lê Thiết Cương

TS. Khuất Thu Hồng


Tiêu tiền có văn hóa khó hơn cả kiếm tiền

Có ý kiến cho rằng, tiền của người ta, người ta muốn tiêu thế nào là quyền của họ. Còn họa sĩ, anh có ý kiến gì?
 
Họa sĩ Lê Thiết Cương:
- Khi 10 người có một số tiền bằng nhau thì hãy xem cách họ tiêu tiền sẽ biết họ có văn hóa hay không?

Tiêu tiền cũng phải có văn hóa. Tiêu tiền có văn hóa là khó nhất, đến một mức nào đó còn khó hơn cả kiếm tiền. Ví dụ hình ảnh Phật Thích Ca. Khi Thích Ca được truyền ngôi để lên làm vua, có vợ rồi, có cả một vương quốc rồi mà cuối cùng Phật Thích Ca đã rũ bỏ tất cả để mở trường học dạy Đạo.

Hay như thời nay có ông Bill Gates. Có rất nhiều tiền nhưng ông chỉ cho con một số nhất định. Còn lại ông dùng làm từ thiện. Đó là những người giàu theo đủ nghĩa - giàu cả về vật chất lẫn tinh thần.

 Khi "trần tình" với bạn đọc, nữ đại gia phố núi nói rằng: bà làm đám cưới cho con bằng đồng tiền chính đáng của mình và xuất phát từ lòng thương con, muốn bù đắp tình cảm cho con. Vì sao một việc làm chính đáng bằng đồng tiền chính đáng như vậy lại bị mổ xẻ và lên án, thưa họa sĩ?

Họa sĩ Lê Thiết Cương:

- Đồng tiền chính đáng phải hiểu đến tận cùng của nó. Không phải cứ đóng thuế là xong. Khi kinh doanh, đồng tiền chỉ được coi là chính đáng khi chị tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra thu nhập xã hội. Bà ấy lý giải: làm đám cưới rình rang như vậy là xuất phát từ lòng thương con cũng không đúng, chủ yếu vẫn là để thể hiện sự giàu có của mình mà thôi...

Sẽ xây thư viện mang tên con làm quà cưới

Việc thể hiện bản thân cũng là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Vậy nếu là ông, ông sẽ làm đám cưới cho con  thế nào để vừa thể hiện được bản thân, vừa thể hiện được tình yêu thương vô hạn của bậc sinh thành?
 
Họa sĩ Lê Thiết Cương:

- Cá nhân tôi, tôi không bao giờ muốn đặt mình vào vị trí của những đại gia đó. Nhưng nếu phải đặt vào vị trí ấy thì tôi sẽ làm một đám cưới bình thường như những gia đình khác. Một đám cưới giản dị, xung quanh là người thân, là bạn bè thân thiết đến để cảm nhận sự thiêng liêng của giây phút thành vợ thành chồng mới là một đám cưới có ý nghĩa.

Số tiền hàng chục tỷ chi cho đám cưới tôi sẽ không mua xế hộp tặng con, không mời ca sĩ nổi tiếng về hát cho bà con nghe, không lãng  phí hàng nghìn cỗ bàn cưới như vậy mà tiền đó tôi sẽ mở một trường học hoặc xây một bệnh viện hoặc làm một con đường hay xây một thư viện mang tên con ngay tại quê nhà - coi như là quà cưới tặng con. Việc làm này có giá trị rất lớn nhưng nó không nhìn thấy ngay.

Ví dụ khi khánh thành thư viện có biển mang tên con mình, hàng trăm em sẽ vào đấy đọc sách. Các em em có cơ hội mở mang tri thức để trở thành người có ích cho xã hội- Cái đó mới làm nên giá trị cho một "đại gia", họ mới thực sự giàu có. Cái lợi của văn hóa nó không thấy ngay, nó không hiện hữu, đong đếm ngay được, nhưng nó trường tồn mãi mãi.

 Một điều lạ là khá nhiều  ý kiến của bạn đọc lại  ủng hộ việc làm của nữ đại gia phố núi. Ông nhận xét gì về hiện tượng này?

- Đó là dấu hiệu của sự quá coi trọng vật chất, coi tiền bạc là thước đo giá trị con người. Giá trị vật chất chỉ là phương tiện, nó không phải là mục đích, không phải là bến đỗ cuối.
Vì quá coi trọng vật chất, coi tiền bạc là đích đến nên nhiều người khi kiếm được tiền, mua được nhà, xe đắt tiền, xài đồ hàng hiệu... thì họ dừng lại. Trong khi đáng lẽ ra nên mang giá trị vật chất ấy để quay trở lại phục vụ, nâng cao giá trị tinh thần thì rất hiếm người làm.

Nếu không tin, bạn hãy làm một cuộc khảo sát ngẫu hứng đi. Bạn cứ thử đến các bảo tàng, đến các buổi ra mắt sách mới ở các Trung tâm văn hóa lớn vào những giờ được coi là "hot" nhất. Tôi đố bạn nhìn thấy những cô diễn viên A., người mẫu B. có mặt ở đó - Họ đang được coi là những người "nổi tiếng" đấy. Thực chất họ không phải là nổi tiếng mà là nhẵn mặt, là quen tên. Ở ta hiện nay người giàu nổi lên nhiều lắm, cách tiêu tiền của họ còn sang hơn cả tỷ phú thế giới nhưng không có một "đại gia" nào có tâm thế của một Bill Gates hay của ông chủ Facebook...

- Xin cảm ơn ông, bà!

 Võ Thủy (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo