Người Việt “mù mờ” về ngân sách nhà nước
Minh bạch ngân sách là một trong những cách quản lý hiệu quả. Thực tế, người dân đang biết rất ít về những đồng thuế được sử dụng ra sao.
Theo kết quả khảo sát công khai ngân sách (OBS Tracker) do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện 2 năm một lần; chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam tăng từ 14 điểm (2010) lên 19 điểm (2012), nhưng vẫn thấp hơn chỉ số trung bình 43 điểm.
Tính ra, Việt Nam đứng trong tốp 30 quốc gia có chỉ số công khai ngân sách thấp nhất trong 100 quốc gia được khảo sát; thấp hơn cả một số nước trong khu vực, như Indonesia (62), Philippines (48), Malaysia (39), Thái Lan và thậm chí cả Đông Timor (36).
Trong 8 tài liệu để đánh giá chỉ số công khai ngân sách, Việt Nam đáp ứng 5 tài liệu và 1 tài liệu lưu hành nội bộ. Tuy nhiên, đa số các tài liệu ngân sách Việt Nam công khai có điểm thấp. Tài liệu có điểm cao nhất là dự thảo ngân sách, nhưng Việt Nam lại không công khai, mà chỉ lưu hành nội bộ.
Chuyên gia kinh tế IBP Joel Friedman đánh giá qua chỉ số của Việt Nam: Chính phủ cung cấp cho người dân ít thông tin về ngân sách quốc gia và các hoạt động tài chính trong từng kỳ của năm tài khóa. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn trong việc quản lý chi tiêu công.
Còn ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: Để đầu tư công hiệu quả; việc công khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn (mức vốn bố trí cho từng chương trình, dự án; tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án; kết quả nghiệm thu, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư công...) là hết sức cần thiết.
Bởi khi các hạng mục được công khai, người dân có thể biết được thông tin các dự án đã, đang và sẽ được đầu tư trên địa bàn có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Những quy định về công khai, minh bạch sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ chương trình, ban quản lý dự án trong sử dụng vốn ngân sách.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo