Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhà sáng lập WhatsApp: Từ cậu bé nghèo khó trở thành tỷ phú Thung lũng Silicon

Jan Koum lớn lên tại Ukraina, sau đó di cư sang Mỹ vào đầu những năm 1990. Tại đây, gia đình của Koum phải sống phụ thuộc vào các chương trình phúc lợi và tem phiếu của chính phủ Mỹ. Chính tuổi thơ nghèo khó đã tôi luyện lên một Koum đầy bản lĩnh, quyết đoán, tầm nhìn và kiên trì thực hiện nó để có được thành công như ngày hôm nay.

Ngày 19/2, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, chính thức thông báo mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ Internet kể từ sau thương vụ sáp nhập của Times Warners vào AOL với giá 124 tỷ USD năm 2001. 

Theo Forbes, với việc sở hữu 45% cổ phần tại WhatsApp, giá trị tài sản ròng của Koum có thể tăng lên gần 7 tỷ USD. Nhưng ít ai biết được tuổi thơ đầy dữ dội của vị tỷ phú 38 tuổi này.

Jan Koum - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WhatsApp.

Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ bên ngoài thủ đô Kiev của Ukraine, Koum là con một trong một gia đình Do Thái có bố là giám sát xây dựng còn mẹ là nội trợ.

Năm 16 tuổi, Koum cùng mẹ di cư tới Mountain View của Mỹ và phải sống nhờ các chương trình trợ cấp và tem phiếu của Chính phủ Mỹ. Sau đó, mẹ của Koum trở thành người giữ trẻ, còn cậu bé Koum lúc đó đã biết quét dọn thuê cho một cửa hàng tạp hóa để phụ giúp mẹ. Sau khi mẹ ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, hai người đã phải sống nhờ vào trợ cấp bệnh tật của bà.

Ở trường, Koum luôn là kẻ gây rắc rối. Năm 18 tuổi, ông đã tự học về mạng máy tính bằng các mua sách hướng dẫn sử dụng tại một cửa hàng sách cũ và bán lại nó khi ông đã thành thạo. Koum gia nhập một nhóm hacker có tên là w00w00 trên mạng trò truyện Efnet.

Ông theo học tại ĐH San Jose State và làm thêm tại Ernst & Young với vai trò là nhân viên thử nghiệm an ninh. Năm 1997, ông trở thành nhân viên kiểm tra hệ thống quảng cáo của Yahoo.

Người đi ngược trào lưu

Câu chuyện thành công của Koum bắt nguồn khi chàng kĩ sư trẻ này cảm thấy thất vọng về việc các công ty dịch vụ Internet luôn theo đuổi mục tiêu quảng cáo.

Bởi vậy, Koum cùng với một kỹ sư khác là Brian Acto, đã xin nghỉ việc tại Yahoo năm 2007. Tháng 1/2009, khi mua một chiếc iPhone, Koum nhận ra rằng kho App Store 7 tháng tuổi của Apple sẽ mở ra một ngành công nghiệp ứng dụng hoàn toàn mới. Ông cho rằng những người dùng điện thoại thông minh có thể dễ dàng gửi tin nhắn tới người dùng khác mà không phải trả phí cho các hãng cung cấp dịch vụ điện thoại.

Ngày 24/2/2009, Koum cùng Acto đồng sáng lập công ty WhatsApp Inc. tại California. Chiến lược nói không với quảng cáo đã giúp họ tập trung vào việc tạo nên một dịch vụ nhắn tin tiện dụng thay vì chỉ phát triển những cách thức mới để thu thập thông tin khách hàng để bán cho các đối tác tiếp thị.

WhatsApp không thu thập thông tin người dùng như tên tuổi, giới tính, địa chỉ hay tuổi tác. Thay vào đó, người dùng chỉ cần nhập số điện thoại để chứng thực. Ngoài ra, ứng dụng nhắn tin này cũng miễn phí 1 năm cho người dùng và sau đó tính phí 0,99 USD/năm.

Chính những trải nghiệm khi lớn lên tại một đất nước nơi người dân luôn lo sợ việc bị nghe trộm đã giúp Koum coi trọng quyền riêng tư trong khi liên lạc của người dùng.

Koum chia sẻ trên một bài viết của mình rằng: “Không ai thức dậy và cảm thấy hứng thú khi phải xem nhiều quảng cáo hơn, họ cũng không đi ngủ và nghĩ về những quảng cáo mà họ sẽ xem vào ngày mai”.

Cách tiếp cận này đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của WhatsApp hiện nay khi sở hữu khoảng 450 triệu người dùng hàng tháng, gấp đôi lượng người dùng của Twitter.

Hữu xạ tự nhiên hương

Tới thời điểm này, WhatsApp chưa hề đưa ra bất kì chiến dịch tiếp thị nào, thậm chí công ty còn không có bộ phận quan hệ đối ngoại. Thay vào đó, ứng dụng trở nên phổ biến hoàn toàn nhờ vào những gợi ý của người dùng sau khi họ trải nghiệm dịch vụ.

Đầu năm 2011, WhatsApp lọt vào top 20 ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ. Bởi vậy, các nhà đầu tư bắt đầu giành nhiều sự quan tâm hơn với ứng dụng này. Song, cũng như việc nói không với quảng cáo, WhatsApp cũng “tránh mặt” hầu hết các nhà đầu tư của Thung lũng Silicon.

Chỉ một số ít các nhà đầu tư được hai nhà sáng lập WhatsApp chào đón, trong đó có hãng đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital. Năm 2011, nhà đầu tư Jim Goetz của Sequoia đã phải kiên nhẫn dành 8 tháng để có thể liên lạc với hai nhà sáng lập và đàm phán đầu tư 8 triệu USD vào công ty, tương đương khoảng 15% cổ phần. Công sức của Goetz cuối cùng cũng được đền đáp, hiện số cổ phần này có trị giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Yoav Andrew Leitersdorf, một đối tác quản lý của WhatsApp chia sẻ: “Tôi là một trong số rất ít những nhà đầu tư may mắn được mời vào làm trong công ty. Jan và Brian là một trong số những doanh nhân thông minh, khiêm tốn, đầy nghị lực nhất mà tôi từng gặp”.

Dương Hương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo