Pháp luật

Nhập thuốc ung thư giả: Lãnh đạo VN Pharma không kháng cáo

Không nghĩ tới việc kháng cáo, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma chấp nhận ở tù rồi sau này “về quê làm ruộng”.

Bà Ung Thị Xuân Hương – Chánh án TAND TP.HCM cho biết, sau 5 ngày kết thúc phiên xét xử sơ thẩm đối với vụ án “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Công ty CP VN Pharma, có 3 trong số 9 bị cáo đã làm đơn kháng cáo, trong đó có bị cáo Võ Mạnh Cường - là một trong hai chủ mưu của vụ án, theo tin tức trên báo Vienamnet. 

Nguyễn Minh Hùng tại tòa. Ảnh VNN.

Theo đơn kháng cáo, Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) kêu oan và một lần nữa Cường khẳng định mình chỉ đóng vai trò là người môi giới, không biết VN Pharma ký hợp đồng mua bán thuốc thông qua Công ty Austin Hồng Kông trong khi công ty này đã ngưng hoạt động, không biết VN Pharma sử dụng con dấu giả, giấy tờ giả và Cường cũng khẳng định không hề biết số thuốc H- Capita 500mg là thuốc thật hay giả.

Một nhân vật quan trọng, đình đám của vụ án là Nguyễn Minh Hùng – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma thì im lặng, chấp nhận hình phạt mà TAND TP.HCM đã tuyên trước đó. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Hùng cho hay: “Tôi không nghĩ đến việc kháng cáo. Giờ tôi muốn yên ổn vài ngày để bình tâm, ổn định rồi tính tiếp. Thôi thì tôi cũng tính, ở tù rồi sau này về quê làm ruộng”. 

Liên quan vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Bộ Y tế khẳng định đã làm đúng thủ tục, quy trình là cách trả lời thiếu trách nhiệm và vô cảm với chính hành động của mình, báo Lao động đưa tin. 

Bởi trên cương vị là cơ quan quản lý hay một người “gác cổng” cho những loại dược chất vào Việt Nam, cụ thể ở đây Cục Quản lý dược phải hiểu rõ những đơn thuốc như thế nào, nhà máy ở đâu, theo tiêu chuẩn gì, được nhập vào Việt Nam cho thử lâm sàng như thế nào, thử nghiệm ra sao… tất cả những điều này đều được làm theo một quy trình rất nghiêm ngặt. 

 

Tuy nhiên khi vụ việc được đưa ra xét xử thì VN Pharma không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, công ty sản xuất thuốc cũng không có trên thực tế, như vậy chức năng kiểm định của Bộ Y tế mà cụ thể là Cục Quản lý dược ở đây cần phải xem xét lại.

“Rõ ràng trong vấn đề này, Bộ Y tế hay Cục Quản lý dược đều hiểu rằng liên quan đến thuốc là liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn rất cao. Có thể một giáo sư hay một chuyên viên đầu ngành bằng mắt thường không thể phát hiện ra ngay những vấn đề của hồ sơ, dược chất đó mà buộc phải có những thiết bị, móc móc hỗ trợ. Nhưng bản thân Cục Quản lý dược, Bộ Y tế hoàn toàn có thể làm được những điều ấy.

Ở đây trong quá trình kiểm định, cấp phép cho nhập vào thì Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý dược đã không làm hết trách nhiệm của mình.

Dường như họ chỉ quan tâm đến việc đầy đủ thủ tục hành chính mà quên mất rằng chính những thủ tục đó lại đang để lại những hậu quả ghê gớm mà trực tiếp xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Người dân thì không thể nhận định được đâu là thuốc thật, thuốc giả, họ chỉ có thể tin tưởng vào bác sĩ kê đơn cũng như sự kiểm soát chất lượng của Cục Quản lý dược Bộ Y tế” - luật sư Nguyễn Thế Truyền khẳng định.

 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, Bộ Y tế, Cục quản lý dược phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Rõ ràng, quy trình thẩm định và cấp phép đang có vấn đề, còn cụ thể vấn đề ở đâu thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng. Cần xem xét vào từng đối tượng với những hành vi và hình thức sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp những sai phạm chỉ phải chịu hình thức khiển trách hay chuyển công tác là rất thiếu thuyết phục.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Vietnamnet, Lao động)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo