Nhịp cầu nhân ái

Nén lại nỗi đau mất cha, chiến sỹ công an nơi tuyến đầu tiếp tục nhiệm vụ chống dịch

DNVN – Nhận được tin cha mất, mẹ và em trai đang nằm viện để điều trị vì mắc bệnh COVID-19, tuy trái tim đau như cắt nhưng nghĩ đến cộng đồng, người chiến sỹ Công an trẻ phải nén nỗi đau riêng để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống dịch nơi tuyến đầu.

An Giang: Đồn Biên phòng Phú Hữu giúp người dân chữa cháy kịp thời / Công an An Giang tặng 3.000 phần quà tiếp sức nhân dân tại buổi ra mắt lực lượng truy vết dịch COVID-19

Trận đại dịch COVID-19 tàn khốc lần này đã gây ra nhiều mất mát to lớn cho người dân. Trước những nguy cơ lây nhiễm căn bệnh gây ra, thì hàng ngày, hàng giờ các chiến sỹ, bác sỹ và các chiến binh thầm lặng vẫn đang cố gắng kiểm soát tình hình để đem lại cho nhân dân cuộc sống yên lành.

Họ đã hy sinh niềm vui và kìm nén nỗi đau từ những mất mát của những người yêu thương nhất để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.

Mới đây, thêm một câu chuyện xúc động từ một chiến sỹ trẻ đang tham gia làm nhiệm vụ hỗ trợ phòng chống dịch ở tuyến đầu tại tỉnh Đồng Nai. Đó là Trần Thảo Vạn An hiện đang là học viên của Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân 1, trước đây cũng là chiến sỹ thuộc đơn vị Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh An Giang.

Ngày 23/8 vừa qua, trong lúc đang làm nhiệm vụ chống dịch An nghe được tin dữ là cha, mẹ và em ruột đều bị mắc COVID-19 phải đưa đi Trung tâm Y tế huyện để chữa trị, nhưng không may cha của anh - ông Trần Văn Được (49 tuổi) đã qua đời do nhồi máu cơ tim trong khi đang điều trị COVID-19.

Người chiến sỹ trẻ đang thực hiện nhiệm vụ phòng dịch ở xứ xa bỗng nghe tin cha mất.

Người chiến sỹ trẻ đang thực hiện nhiệm vụ phòng dịch ở xứ xa bỗng nghe tin cha mất.

Ngay sau khi nhận được tin trên, nhóm phóng viên chúng tôi nhanh chóng liên lạc với An mong muốn xin thông tin để chia sẻ câu chuyện ý nghĩa này. Nhưng nhận lại từ An một tin nhắn:“Anh chị ơi, khoan hãy đưa tin này nhé! Vì mẹ em và em của em đang còn điều trị, em sợ mẹ và em của em không chịu nổi cú sốc này”. Chỉ một tin nhắn ngắn ngủi, nhưng lại khiến tất cả chúng tôi nghẹn lại vì sự đồng cảm với người chiến sĩ trẻ.

Cha mất, mẹ và em đang nằm viện chữa trị bệnh dù rất muốn về, nhưng đang trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nhiệm vụ chưa hoàn thành. Hơn thế nữa, khu vực nhà anh An ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang hiện cũng đã bị phong tỏa vì có dịch nên người chiến sỹ trẻ phải ở lại.

Trước tình cảnh đó, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã trực tiếp thay An tổ chức lễ đón rước và đưa tro cốt cha An về Tịnh thất Giác Thiền, tại huyện Châu Thành để cúng cầu siêu theo ý nguyện của gia đình. Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí để gia đình trang trải những khó khăn trước mắt và hơn nữa là tạo điều kiện, quan tâm để mẹ vè em trai An được sớm bình phục.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang đã thay An làm lễ cầu siêu cho người cha đã mất.

Giám đốc Công an tỉnh An Giang và các đồng đội đã thay An làm lễ cầu siêu cho người cha đã mất.

Không thể về ngay để làm tròn trách nhiệm của một người con trai cả, nhưng An cũng được an ủi phần nào vì đã có những đồng chí, đồng đội thay mình làm tròn chữ hiếu.

Trong buổi lễ cầu siêu, Giám đốc Công an tỉnh đã gọi điện cho An để gửi lời căn dặn “An cố gắng vượt qua nỗi đau, để tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Nhân dân, mọi việc ở nhà sẽ có Đảng ủy Ban Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí, đồng đội quan tâm, hỗ trợ nhé...”.

Nghẹn ngào, nhưng ấm lòng với lời động viên, căn dặn đầy ân tình của thủ trưởng, An xúc động đáp “Cám ơn Ban Giám đốc và các đồng đội đã giúp đỡ lo hậu sự cho cha. Tôi sẽ cố gắng vượt qua và xin hứa với đồng chí Giám đốc sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Qua màn hình nhỏ của điện thoại, vị Thủ trưởng và người chiến sỹ trẻ đã có những lời tâm sự vô cùng xúc động.

Qua màn hình nhỏ của chiếc điện thoại, vị Thủ trưởng và người chiến sỹ trẻ đã có những lời tâm sự vô cùng xúc động.

Từ ngày cha An mất, đến nay cũng đã được nửa tháng, hôm nay nhận được tin nhắn của An: “Dạ, mẹ và em của em đã về nhà rồi ạ. Sức khỏe còn yếu nhưng đã vượt qua rồi, nhờ các anh chị đưa tin để an ủi, chia sẻ nỗi đau với mẹ và em của em. Hiện giờ em vẫn đang ở tuyến đầu giúp dân, chống dịch. Sau khi tốt nghiệp, em hy vọng được về tỉnh nhà để phục vụ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, cho dù khó khăn gian khổ quyết không lùi bước. Chỉ mong lo được cho mẹ và em, với nhân dân”.

Đã có nhiều chiến sỹ bị nhiễm bệnh, có người đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ, có nhiều người gác lại nỗi lo gia đình để hoàn thành sứ mệnh. Những việc làm đó đã thể hiện rõ ý chí quyết tâm, trách nhiệm to lớn của người chiến sĩ với Tổ quốc, với nhân dân. Sự cống hiến, đức hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ trong phòng, chống đại dịch đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của người chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam.

Kim Cương - Phạm Giang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm