Thị trường

Nợ công vẫn ca mãi bài ca "an toàn"!

"Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ Tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn”.

Nợ công của Việt Nam dành nhiều cho đầu tư xây dựng cơ bản nên không trực tiếp sản xuất ra hàng hóa. Do vậy khả năng trả nợ là khá mệt mỏi

Đại biểu Lê Thị Công, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn chiều 10/4. Theo đó, ĐB Công cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ, giải pháp nào?

Ma trận cách tính nợ công
 
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nếu nhìn về con số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Nhưng đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.
 
Ông Dũng cho rằng, nếu nhìn về con số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Nhưng đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.
 
“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn”, trưởng ngành tài chính nói.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì.
 
Cũng lo lắng về nợ công, Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng yêu cầu Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ nợ công trên có tính cả khoản vay do bảo lãnh nợ của Chính phủ cho DN nhà nước không? Bộ trưởng trả lời cụ thể về khoản nợ hiện nay của hai tập đoàn Vinashin và Vinalines? Chính phủ có phải đứng ra để trả nợ thay cho hai tập đoàn này hay không?
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng kinh nghiệm các nước thì Chính phủ cũng can thiệp vào khi cần thiết.
 
“Hiện đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, việc này thực hiện trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và bảo lãnh nợ của Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi số nợ của công ty mẹ tập đoàn Vinashin và 8 công ty con”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
 
Khai đúng nhưng chuẩn hay chưa lại là chuyện khác
 
Trước đó, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng nói: việc Việt Nam nợ công bao nhiêu đều được công khai, song con số đã thực sự chuẩn chưa thì lại là chuyện khác.
 
Ông Kiên cũng cho biết: "Hiện nay, chúng ta không có chuẩn mực nào để đánh giá là nợ công của Việt Nam đang ở ngưỡng nào, nguy hiểm, không nguy hiểm hay an toàn. Tất cả điều đó chỉ có tính chất là giả định".
 
TS Vũ Quang Việt cũng chỉ thẳng, cách tính đúng của nợ công phải bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ (cả trung ương, địa phương và DNNN); nợ để chi và nợ bảo lãnh; nợ ngân hàng, nợ qua phát hành giấy nợ như trái phiếu…
 
TS Vũ Quang Việt lưu ý nợ trong nước và ngoài nước của doanh nghiệp nhà nước đã lên đến 50,1% GDP, số nợ này được Chính phủ đứng ra bảo lãnh thì phải cộng vào số nợ quốc gia. Nếu như vậy thì nợ quốc gia đã lên đến 106% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn 65% GDP được Ngân hàng Thế Giới khuyến nghị.
 
“Như thế, về nguyên tắc, nếu tập đoàn thua lỗ, không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ phải dùng tiền thuế của dân để trả thay”, TS. Việt nhận định.
 
Nếu tính theo số liệu cộng dồn của TS. Vũ Quang Việt, thì bình quân mỗi người Việt phải gánh khoảng 1,5 nghìn USD nợ công.
 
TS.Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cũng lo ngại, nếu tính đủ nợ công Việt Nam hiện xấp xỉ 106% GDP, trong khi đó ngưỡng này được đặt ra trong chiến lược phát triển tài chính đến năm 2020.
 
Tuy nhiên giới chuyên môn lo ngại, nếu cách tính nợ công không theo chuẩn sẽ khiến dư luận hoài nghi về con số nợ và quan trọng hơn chúng ta sẽ không ý thức được số nợ đáng ra phải trả sẽ là bao nhiêu để ý thức hơn việc tiết kiệm trong chi tiêu công.
 
Đó là còn chưa kể sự lo ngại khả năng trả nợ khi Việt Nam, tiền đi vay nước ngoài về đầu tư vào đường sá, cầu cống, thậm chí cả các phong trào thi đua, dự án cảng biển, sân bay… tất cả những chi tiêu này phải rất lâu mới sử dụng được.
 
“Nghĩa là vòng đời của dòng vốn rất dài và tiền cũng phải đổ vào đây rất nhiều. Những chi tiêu này mang tính lạm phát cao, lại không trực tiếp sinh lời nên nền tảng đảm bảo việc trang trải nợ là rất yếu”, ông Sơn nói.
 
Có lẽ cũng chính vì như vậy nên dù rằng phần trả lời của vị trưởng ngành tài chính đi thẳng vào vấn đề, song dường như các đại biểu vẫn chưa tỏ ra yên tâm với thông tin nhận được. Bởi vì theo cách tính và khuyến cáo của chuyên gia dường như có nhiều điểm đáng ngại hơn là bức tranh màu hồng cũng như ngưỡng an toàn mà Bộ Tài chính đang công bố.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo