Thị trường

Nông sản, thực phẩm sẵn sàng ra chợ Tết

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm Tết tương đối đảm bảo. Đây là tin vui với người tiêu dùng khi mà chỉ còn khoảng chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Nguồn cung dồi dào

 

Gần Tết, ngoài việc giám sát chặt tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, anh Lê Tiến Thủy, chủ trang trại chăn nuôi xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ còn phải tính toán phương án xuất chuồng sao cho hợp lý. Anh Thủy cho biết, hiện tại, trang trại nuôi gần 400 con lợn thương phẩm có thể xuất bán trong dịp Tết này. Do đó, anh phải bàn bạc với các đối tác để xuất bán thành từng đợt. “Năm nay, chăn nuôi khá thuận lợi, người chăn nuôi có lãi nên tổng đàn lợn, gà được duy trì khá lớn, nguồn cung thực phẩm Tết cũng đảm bảo” – anh Thủy chia sẻ.
 
 
Nguồn cung rau xanh cho Tết khá dồi dào.Ảnh: Quang Thiện
 
 
Tại huyện Ứng Hòa, theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, riêng tổng đàn lợn của huyện đến nay có khoảng trên 60.000 con, nên ngoài đáp ứng nguồn cung thực phẩm trên địa bàn vào dịp Tết, huyện còn xuất bán phục vụ trên toàn TP. Theo Sở NN&PTNT, sản lượng tiêu dùng thực phẩm của Hà Nội bình quân 800 - 1.000 tấn/ngày, nhưng trong dịp Tết tăng lên khoảng 1.200 tấn/ngày. Để đáp ứng nhu cầu lớn đó, cùng với việc duy trì tổng đàn lợn 1,4 triệu con, hơn 20 triệu con gia cầm, các địa phương trên địa bàn TP đã chuẩn bị 10.000 con bò BBB và khoảng 5.000 – 6.000 con trâu, bò đã vỗ béo, nên nguồn cung thực phẩm tương đối lớn. Về rau củ quả, trong vụ đông 2014, toàn TP đã gieo trồng gần 13.000ha rau các loại với sản lượng hơn 230.000 tấn. Hơn nữa, trong năm qua, TP đã xác định, cấp chứng nhận thêm 431ha rau an toàn, nâng tổng diện tích quản lý lên gần 5.000ha. Ngoài ra, theo nhận định của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong dịp Tết năm nay, sản xuất rau tương đối thuận lợi, rau phát triển tốt, đạt năng suất cao. Các tỉnh miền Bắc gieo trồng được 180.000ha rau vụ đông, tăng 15.000ha so với cùng kỳ năm trước. Nhiều loại trái cây cũng được mùa như bưởi, cam, chuối…, nên cơ bản đáp ứng tiêu dùng cho dịp Tết.
 
Đảm bảo giá cả và chất lượng
 
Khác với nhiều năm trước - cứ gần Tết là các mặt hàng tiêu dùng lại tăng giá, cho đến thời điểm này, giá một số nông sản thực phẩm lại có xu hướng giảm hoặc chững lại. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng hiện chỉ còn 50.000 – 52.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Đại diện Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết, điều đáng mừng là người chăn nuôi đã tập trung nâng cao chất lượng, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngay trên địa bàn huyện hiện đang thí điểm 3 mô hình chăn nuôi sinh học với quy mô 300 con/hộ, đồng thời, nhiều trang trại cũng áp dụng tiến bộ trong công tác giống để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mặc dù trong tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thịt, trứng, sữa cao hơn thông thường khoảng 20%, song do nguồn cung dồi dào nên giá thịt lợn, gà lại đang có xu hướng giảm. Trong thời gian tới, nếu giá tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ, không có sự đột biến. Tuy nhiên, vấn đề là các ngành, địa phương phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Liên quan tới giá rau xanh, do thời tiết vẫn lạnh nhưng có nắng ấm nên năng suất rau cao, giá bán duy trì ở mức trung bình.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám lưu ý, mặc dù nguồn cung thực phẩm dịp Tết khá dồi dào, giá cả dự kiến tương đối ổn định nhưng cũng không thể chủ quan. Bởi có thể xảy ra vấn đề thiếu hàng hoặc mất cân đối cục bộ ở một số địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Vì vậy, Bộ sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chất lượng nông sản, thực phẩm xuất, nhập khẩu, từ các loại thịt tới rau quả, đồng thời phối hợp đẩy mạnh công tác chống buôn lậu qua biên giới.
 
 
Theo Kinh tế và Đô thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo