Ông Trương Văn Phước: 'Cần dùng mưu trí để xử lý nợ xấu'
Theo tiến sĩ Trương Văn Phước – Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, vấn đề hiện nay không phải tăng trưởng tín dụng bao nhiêu mà là phải tìm ra căn nguyên, cội rễ vì sao một nền kinh tế rất cần vốn để tăng trưởng như Việt Nam mà lại không hấp thụ được vốn. Ông trao đổi với VnExpress trước thềm Diễn đàn Kinh tế mùa Thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hai ngày cuối tuần này, nơi các chuyên gia sẽ phân tích tình hình kinh tế hiện nay cũng như nhìn lại 3 năm tái cơ cấu.
- Tín dụng ngân hàng đến 16/9 mới tăng 6,19%, quá xa so với chỉ tiêu 12-14% Quốc hội giao cho cả năm, theo ông đâu là lý do chính?
Vốn huy động cao, tín dụng thấp là câu chuyện kéo dài từ năm ngoái đến nay. Nhưng tín dụng cũng giống như ôtô chạy trên đường, muốn chạy nhanh thì bản thân chiếc xe phải khỏe và đường thông thoáng. Đường gập ghềnh, qua ổ voi, ổ gà thì lái xe cũng phải cẩn trọng chạy chậm lại. Khách quan thị trường thì nền kinh tế vẫn rất khó khăn, sức cầu yếu, chu chuyển hàng hóa còn chậm. Động lực vay vốn của doanh nghiệp yếu đi do quá trình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thể hiện qua số doanh nghiệp giải thể, phá sản lớn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng mấy tháng nay cao hơn do thị trường có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung mức tăng này khá bấp bênh do chủ yếu xuất phát từ nhu cầu vốn lưu động, phục vụ thanh toán các khoản đến hạn.
Công tâm mà nói thì bản thân hệ thống ngân hàng cũng đang có những vết thương, canh cánh bên lòng câu chuyện làm sao xử lý nợ xấu. Nợ xấu không chỉ là những con số viết lên bảng để ca thán, mà thực sự nó đang bào mòn sức khoẻ của hệ thống ngân hàng khi phải dành chi phí rất lớn để trích lập dự phòng cho những khoản có thể bị tổn thất. Các ngân hàng cẩn trọng cho vay trong nỗi ám ảnh nợ xấu gia tăng như vậy là diều dễ hiểu.
- Ngoài nguyên nhân nợ xấu và sức cầu của nền kinh tế, người ta cho rằng tín dụng tăng chậm là do ngân hàng quá dè dặt cho vay. Từng làm CEO ngân hàng 10 năm, ông lý giải thế nào về điều này?
- Người làm tín dụng lúc này phải cẩn trọng hơn bất cứ lúc nào bởi nợ xấu là câu chuyện nhức nhối hơn bao giờ hết. Họ chịu rất nhiều áp lực, không chỉ hiệu quả tài chính mà ở trách nhiệm pháp lý, nên trong tâm thức họ khó có thể hào hứng. Tuy nhiên đây không phải là lý do chính khiến tín dụng tăng chậm.
Như tôi đã nói, nền kinh tế đang khó khăn, sức cầu yếu, tự thân ngân hàng dù muốn cũng rất khó cho vay. Sinh nghề tử nghiệp, họ đã lựa chọn con đường làm ngân hàng thì đương nhiên phải chấp nhận rủi ro trong hoạt động tín dụng. Thực tế, thị trường cho thấy mối tương quan giữa ngân hàng và doanh nghiệp đi vay nay đã đổi khác rất nhiều, có những khoản vay lãi suất chỉ 5-6% một năm đã nói lên thực trạng mối quan hệ này.
- Vậy theo ông cần làm gì để tín dụng có thể tăng trưởng tốt hơn?
- Theo tôi, năm nay tín dụng tăng được 9-10% là tốt rồi. Đương nhiên, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng phần lớn dựa vào nguồn cung vốn nội địa, nhưng cũng không nên quá gò ép để tín dụng tăng trưởng cao hơn mà nới lỏng điều kiện để rồi có thể gây ra rủi ro. Quan trọng là phải có những giải pháp căn cơ để tín dụng tăng bền vững.
Đầu tiên, phải cải thiện sức cầu của nền kinh tế vì đây là nguyên nhân quan trọng bậc nhất khiến vốn có bơm ra được hay không. Có lẽ không nên mất thời gian để đặt ra câu chuyện kích cung hay kích cầu nền kinh tế nữa.
Ngoài ra, để tăng trưởng tín dụng nhanh hơn, lãi suất cũng là yếu tố cần tính tới. Dù tiếp cận ở góc độ nào đi chăng nữa, giá thấp bao giờ cũng tạo nên cầu cao, và lúc này chúng ta đang mong muốn có cầu tín dụng cao hơn. Hiện giá iPhone 6 khá đắt đỏ nên lượng người mua ít, nhưng nếu giá thấp xuống vài ba triệu đồng thì nhiều người sẽ mua hơn.
Ở đây có thể nảy sinh câu chuyện dễ tranh luận là lãi suất bây giờ đã thấp rồi, thậm chí đã ngang bằng với những năm 2005 – 2006, lúc nền kinh tế khá ổn định. Tuy nhiên, thể trạng của nền kinh tế những năm đó và bây giờ đã khác đi nhiều, nên việc để cho mặt bằng lãi suất thấp hơn sẽ là một chất kích thích, vitamin giúp cho cơ thể đó phục hồi. Năm nay, lạm phát cả năm khá thấp, dự kiến chỉ dao động 4-5%, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng để lãi suất thị trường thấp xuống.
- Ông cho rằng cần hạ lãi suất tương bối cảnh lạm phát tháp xuống, nhưng ngân hàng phải ứng xử thế nào nếu sang năm kinh tế phục hồi và chỉ số giá tiêu dùng bùng phát, mà các khoản vay lại có kỳ hạn dài?
- Chúng ta cần cái nhìn thực tế hơn. Nền kinh tế có vẻ chưa phục hồi nhanh tới mức khiến lạm phát năm 2015 tăng cao như chúng ta e ngại. Kể cả khi sự phục hồi lạc quan hơn mong đợi, lạm phát năm sau cũng chỉ đâu đó khoảng 5%. Hơn nữa, đà phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, mà tín dụng vẫn tăng chậm, thị trường vốn còn nhiều hạn chế và những nguồn lực từ bên ngoài cũng không lớn như chúng ta mong muốn.
Cho nên, những hành động quyết liệt, táo bạo để kích thích nền kinh tế cần được xem xét nghiêm túc. Chúng ta có quá nhiều kinh nghiệm trong ứng xử mối tương quan giữa tăng trưởng và lạm phát, chỉ có điều khi mặt bằng này hạ xuống, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn phải đảm bảo mức vừa đủ để các ngân hàng có nguồn thu nhằm tăng cường chống đỡ căn bệnh nợ xấu. Làm được điều này là cả nghệ thuật.
- Nghệ thuật đó là gì, thưa ông?
- Đảm bảo chênh lệch hợp lý không nhất thiết lúc nào cũng phải giữ khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay, mà cần tìm cách cắt giảm chi phí cho ngân hàng.
Trước hết, phải nói kỹ hơn về nợ xấu. Nếu chúng ta có thể cân đối nguồn lực như nhiều quốc gia khác trên thế giới để xử lý nợ xấu thì không phải gian nan và vất vả như thời gian qua. Bài toán làm sao để chữa căn bệnh nợ xấu trong bối cảnh nguồn lực hạn chế là bài toán khó khăn. Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) bước đầu đã làm được một số việc, dù cũng rất khó khăn. Các quan điểm về trần nợ công bao nhiêu là hợp lý đối với nền kinh tế Việt Nam thường được tranh cãi rất nhiều, nhưng nếu đầu tư công có hiệu quả cao, ngân sách có thể cân đối được thì cần có một khoản tạm ứng ngân sách để xử lý nợ xấu (không phải một khoản chi ngân sách). Sau khi quá trình xử lý nợ xấu thành công, chúng ta có thể hoàn trả khoản nợ xấu này. Vấn đề này cần được xem xét xử lý trong tổng hòa với các mối quan hệ kinh tế khác.
Trong khuôn khổ các giải pháp kỹ thuật có thể tăng cường để xử lý nợ xấu thông qua VAMC, tôi cho rằng có thể cần thêm một số điều chỉnh và giải pháp nữa. Ví như các trái phiếu của VAMC có thể kéo dài thời gian từ 5 năm lên 10 năm vì quá trình xử lý nợ xấu không thể nhanh chóng được. Như thế, chi phí cho trích lập dự phòng rủi ro với trái phiếu cũng tức là trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu có thể được phân bổ trong thời gian dài hơn, giúp tổ chức tín dụng chịu các chi phí tài chính ít hơn. Đây cũng là một trong những động lực và điều kiện để các tổ chức tín dụng tính toán khi suy nghĩ bán nợ xấu cho VAMC.
Một vấn đề nữa cần đặt ra là tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn hơn do tín dụng tăng chậm và chênh lệch lãi suất thấp hơn nhiều, thể hiện qua chỉ số ROE, ROA giảm xuống. Từ đó đặt ra câu chuyện Ngân hàng Nhà nước cần tái cấp vốn khối lượng lớn hơn, lãi suất thấp hơn (khoảng 2-3%) cho các khoản trái phiếu tổ chức tín dụng này nắm giữ. Bản chất VAMC mua nợ không thanh toán bằng tiền mà trả cho ngân hàng trái phiếu. Vậy thì hãy cho ngân hàng mang trái phiếu đi vay vốn với lãi suất rẻ hơn.
Đấy là cách nuôi dưỡng hệ thống ngân hàng để họ có nguồn thu, cùng Nhà nước chữa căn bệnh nan y và nền kinh tế vẫn được hưởng lợi khi lạm phát thấp.
- Tuy nhiên nợ xấu xử lý chậm chạp thời gian qua được cho là do VAMC tay không bắt giặc và một số chuyên gia đề nghị có giải pháp giúp VAMC xử lý nợ xấu nhanh hơn. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?
- Xử lý nợ xấu là một cuộc trường chinh, đừng ảo tưởng ngay ngày hôm nay xử lý xong bởi đã cho vay ắt phải chấp nhận rủi ro. Nhưng nói thời gian qua VAMC tay không bắt giặc cũng là không chính xác vì công ty này dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù mà chỉ với quyền năng của một ngân hàng trung ương mới có được.
Chúng ta phải thừa nhận rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề cần phải bổ sung, chỉnh sửa để giúp xử lý nợ xấu. Ví như hiện nay để xử lý các khoản nợ, ngân hàng thương mại và người vay tiền phải trải qua quá trình tố tụng mất rất nhiều thời gian. Chúng ta có thể chỉnh sửa, bổ sung để các tài sản đảm bảo được định giá bởi một trung tâm uy tín và phát mãi nhanh chóng, thông qua một Nghị quyết của Chính phủ để làm quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn. Làm được điều này thì nợ xấu giảm đi, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng củng cố được năng lực tài chính.
Vấn đề khác nữa là cần có chính sách mạnh mẽ hơn để tạo sức cầu cho thị trường bất động sản, mở rộng các đối tượng mua bán kinh doanh nhà đất nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc xử lý các tài sản đảm bảo.
Dĩ nhiên, nếu Nhà nước có nguồn lực tài chính dồi dào thì không tội gì chúng ta chọn con đường khó khăn để xử lý nợ xấu, nhưng trong bối cảnh không có tiền, phải dùng mưu, trí. Hơn bao giờ hết chúng ta cần có những hành động cụ thể chứ không nói chuyện cao siêu, trọng đại nhưng viển vông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao