Pháp luật

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả "nóng" trở lại

DNVN - Theo Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang gia tăng trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Bộ Y tế tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại / TP.HCM: Một cán bộ Công an chống buôn lậu bị bắt về tội... buôn lậu

Thông báo về tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại "Hội nghị Giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý III năm 2022", chiều 18/10, Ban chỉ đạo 389 cho biết: Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc chỉ duy trì hoạt động một số cửa khẩu chính (do Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Čovid”) nên hạn chế rất nhiều các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của các đối tượng buôn lậu.

Gian lận thương mại và hàng giả đang gia tăng trở lại với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Tuy nhiên, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh miền Trung giáp Lào, do đặc điểm địa hình đồi núi hiểm trở, khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Vi phạm liên quan đến các mặt hàng cấm như pháo nổ, gỗ, sản phẩm động vật hoang dã, đặc biệt là tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam trung chuyển sang Trung Quốc và các nước diễn biến hết sức phức tạp.

Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên sau thời gian dài giãn cách, phong tỏa xã hội do dịch bệnh COVID-19, hiện nay diễn ra nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung chủ yếu các mặt hàng như thuốc lá điếu, đường cát, thóc gạo, đặc biệt là tiền và vàng.

Các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp đường mòn, lối mở, sông, suối để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tử Lào qua khu vực biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị; vận chuyển ma túy từ Lào qua tỉnh Điện Biên đi Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang đưa sang Trung Quốc tiếp tục diễn ra.

Đáng chú ý là hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào qua khu vực biên giới các tỉnh miền trung và vận chuyển chuyển trái phép heroin, ma túy tổng hợp, cần sa từ Campuchia qua khu vực biên giới tỉnh Bình Phước, An Giang đưa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Trên tuyến biển, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, FO do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn và giá nhiên liệu trong nước ở mức cao, chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực.

Hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép xảy ra tại địa bàn tuyến biển thuộc Hà Tĩnh, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc sử dụng trái phép vật liệu nổ khu vực biên giới biển các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Bình, Ninh Thuận có chiều hướng gia tăng.

Tội phạm ma túy, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới như cất giấu, ngụy trang ma tuý trong hàng hoá .. để mua bán, vận chuyển tiêu thụ gây ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính cũng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn cất giấu tinh vi như đóng gói, vận chuyển, mua bán, nguỵ trang giả dạng dưới hình thức hàng hoá, hành lý thông thường, giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội để mua hàng sau đó sử dụng các dịch vụ chuyển phát bưu chính quốc tế và các dịch vụ giao nhận hàng (shipper) nội địa để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Dự báo, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến cuối năm có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Ban chỉ đạo 389 đã xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đồng thời, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hà Anh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm