Phát triển điện gió: Vẫn vướng chuyện giá
Theo Quy hoạch điện VII, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, việc thực hiện còn rất khó khăn.
Thuộc Quy hoạch điện VII, Nhà máy điện gió Bạc Liêu có tổng mức đầu tư 5.258 tỷ được coi là dự án điện gió quy mô nhất Việt Nam. Với ưu thế không chiếm dụng đất canh tác, tận dụng tiềm năng gió ven biển, kết hợp với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, dự án được Chính phủ và UBND tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm. Thậm chí, các cơ quan chức năng còn dự kiến tiếp tục triển khai Dự án Trung tâm Điện gió miền Tây tại các tỉnh ven biển Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau khi hoàn thành vào năm 2015, trung tâm này sẽ có quy mô công suất khoảng 500 MW.
Thế nhưng, phải mất hơn 18 tháng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu mới hoàn tất được 10 trụ tua bin giai đoạn 1. Đến nay, đã 5 tháng kể từ khi hoàn thành lắp đặt, các tua bin vẫn chưa hoạt động vì còn phải chờ hệ thống lưới điện. Theo chủ đầu tư, phải cuối tháng 4/2013 mới có thể vận hành thử 10 trụ tua bin gió.
Để tạo cơ sở cho các hoạt động đầu tư phát triển điện gió, ngày 8/3/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-BCT quy định về phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió. Chính phủ cũng đã cho phép nhà đầu tư nhà máy điện gió được huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; được miễn thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị trong nước chưa sản xuất được; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được ưu đãi về hạ tầng đất đai…
Tại phiên hội thảo cuối cùng xung quanh “Dự án Hợp tác nghiên cứu điện gió trong hệ thống điện Việt Nam và thị trường điện” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố các kết quả nghiên cứu về điện gió. Đồng thời, giới thiệu cuốn Sổ tay kỹ thuật về đấu nối điện gió vào lưới điện Việt Nam. Đây được xem là cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối nhà máy điện gió vào lưới điện truyền tải và phân phối của EVN, những yêu cầu hệ thống đo đếm điện năng đối với các nhà máy điện gió, các hệ thống không nối lưới.
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, vấn đề quan tâm nhất là giá điện gió được quy định ở mức 7,8 cent/kWh (nhà nước hỗ trợ cho bên mua 1 cent/kWh) là quá thấp, bởi thực tế giá thành sản xuất điện gió đã tới 10 – 12 cent/kWh.
Ông Tô Hoài Dân- Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại, du lịch Công Lý, chủ đầu tư dự án Điện gió Bạc Liêu- cho biết, đây là dự án lấn biển nên việc đầu tư móng trụ tua bin tốn kém và phức tạp. Trung bình mỗi móng tua bin phải tốn 0,6 triệu USD, trong khi trên đất liền chỉ 0,25 triệu USD. Khu vực này lại chưa có hệ thống truyền tải nên công ty phải đầu tư riêng 17km đường dây 110KV, trạm biến áp 110/22KV và các hệ thống đồng bộ kèm theo. Bên cạnh đó là khó khăn về vốn do phải sử dụng phần lớn vốn vay đã làm tăng mức đầu tư dự án.
Theo ông Dân, ngoài chính sách giá, để rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng và thời gian thi công, Chính phủ nên cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu một số hạng mục có tính chất đặc thù; được sử dụng vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư dự án ở mức 10-15% tổng mức đầu tư (bao gồm cả vốn lưu động) để giảm bớt áp lực về nguồn vốn huy động...
Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), đến năm 2012, tổng công suất của tất cả các tua bin gió trên thế giới đã tăng lên 282.000 MW. Trong đó, 24 nước đã có tổng công suất năng lượng điện gió vượt quá 1.000 MW. Thậm chí, ở một số nước, điện gió đang cạnh tranh với năng lượng điện nguyên tử.
Minh Trí
Theo Công thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo