Phó Thủ tướng: 80% tín dụng ‘chảy’ vào lĩnh vực ‘kinh tế thực’
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần đưa tốc độ tăng bình quân 10 năm 2008-2017 lên 6%.
Năm qua, Chính phủ cũng thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, đặc biệt là cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính, giảm được 24 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để giảm chi phí cho doanh nghiệp; cơ cấu lại hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý tốt nợ công, siết chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công... Vì vậy, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, dưới 4%; bội chi ngân sách được bảo đảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao (giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay), số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục (đạt trên 126.000 doanh nghiệp).
Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng vượt mốc 420 tỷ USD, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Như vậy, sau 10 năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.
“Chính phủ kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; chủ động lắng nghe, tiếp thu ý kiến, phản hồi của người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức để Chính phủ sát gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn hơn”, Phó Thủ tướng nói về trọng tâm điều hành của Chính phủ năm qua.
Về tín dụng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần lưu ý mức dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2017 khoảng 20-21% chỉ là chỉ tiêu định mức. Thực tế, năm 2017, tín dụng chỉ tăng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy, không thể nói Chính phủ chủ trương tăng tín dụng để tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cơ cấu và chất lượng tín dụng cũng được cải thiện rất tích cực.
“Vừa qua, tín dụng ‘chảy’ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ‘kinh tế thực’ chiếm hơn 80% tổng dư nợ và phần lớn vào đúng chỗ như công nghiệp chế tạo, nông nghiệp, du lịch... góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng khi chỉ số ICOR của năm 2016 là 5,3 thì năm 2017 là từ 4,7-5 điểm; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP đạt 45,2%, cao hơn năm 2016 (40,7%) và giai đoạn 2011-2015 (33,6%)”, Phó Thủ tướng cho biết.
Nhìn nhận về con số tăng trưởng GDP từ 6,5-6,7% mà Quốc hội đã ấn định cho năm 2018, Phó Thủ tướng cho hay, mức tăng trưởng GDP của năm 2017 là kết quả tốt cho kinh tế Việt Nam và làm nền tảng cho tăng trưởng trong năm 2018.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ cản trở việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP.
Một là, độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện ở ngưỡng cao, nền kinh tế trong nước đang bị phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới. Tuy được dự báo có chiều hướng tích cực trong năm tới nhưng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến còn gặp rủi ro do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chưa được đẩy lùi. Do độ mở lớn của nền kinh tế, các tác động của khu vực và thế giới sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và khá nhanh đối với Việt Nam cả về thương mại, đầu tư, tài chính và tiền tệ.
Bên cạnh đó, những thách thức trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: hiện trạng công nghệ thấp, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế; nợ công cao; xử lý nợ xấu còn khó khăn; năng suất lao động thấp; hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến tích cực trong những năm gần đây nhưng vẫn còn yếu… là những khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
“Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta vừa phải tạo ra các năng lực sản xuất mới có chất lượng, hiệu quả cao hơn, vừa phải tập trung giải quyết, cắt giảm các năng lực sản xuất đang bị lãng phí, đó là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ, trong khi nguồn lực của đất nước còn rất hạn hẹp”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017, theo Phó Thủ tướng, là hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang ở ngưỡng phát triển cao, khả năng vượt trội trong năm 2018 là khó xảy ra khi năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hầu như đã được khai thác ở mức cao, trong khi hoạt động khai khoáng dự báo tiếp tục tăng trưởng âm...
Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước được cơ cấu lại, ứng dụng công nghệ cao cho phát triển... nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành cần độ trễ để phát huy hiệu quả; các ngành dịch vụ có thể duy trì hoặc tăng trưởng không nhiều so với năm 2017.
“Với tình hình như vậy, khả năng năm 2018 tăng trưởng cao hơn năm 2017 là một nhiệm vụ rất khó khăn. Mặt khác, ngoài con số tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải quan tâm thúc đẩy chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, tôi cho rằng với mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 khoảng 6,7% là khả thi và phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới