Thị trường

Phó Thủ tướng "bắt bệnh" 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

(DNVN) - Tại phiên họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị mới đây về xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đấn thua lỗ...

Theo tin tức từ Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 5/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại yếu kém của một số nhà máy, dự án yếu kém ngành Công Thương đã chủ trì phiên họp triển khai Kết luận của Bộ Chính trị mới đây về các đơn vị này.

Theo số liệu, 12 dự án, nhà máy của ngành công thương này có tổng mức đầu tư là 63.610 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 14.350 tỷ. Còn lại khoảng 47.000 tỷ đồng (chiếm 75% tổng mức đầu tư) là đi vay, trong đó vay ngân hàng là 41.800 tỷ, vay nước ngoài có bảo lãnh là 6.600 tỷ.

Đánh giá thực trạng các nhà máy, dự án hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có 6 nhà máy vận hành nhưng thua lỗ gồm 4 nhà máy phân đạm, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Công ty Thép Việt-Trung. Ba dự án, nhà máy dừng thi công là dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ, Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Ba nhà máy dừng hoạt động là Nhiên liệu Sinh học Bình Phước, Nhiên liệu Sinh học Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ.

Phó thủ tướng phê bình lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chậm trễ có hướng xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ. Ảnh: VGP.

Trong số này, 10 nhà máy đang hoạt động hay dừng sản xuất có lỗ luỹ kế là 16.126 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2016) và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng, trong đó nhiều nhà máy âm vốn chủ sở hữu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: “Bệnh chung thứ nhất của 12 dự án, nhà máy là khi lập dự án, phê duyệt dự án thì làm rất nhanh nhưng khi tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất trì trệ, vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm 43% so với dự toán, nhiều dự án kéo dài tới giờ chưa xong, có nhà máy xong rồi nhưng không hoạt động được”.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, bệnh thứ 2 là khi lập phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra thì thấp.

uy nhiên, sau khi quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà máy thì tình hình đã có chuyển biến tích cực. Bốn nhà máy đạm (đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai) hoạt động tốt tới 80% công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai đã đa dạng hoá sản phẩm với 64% đạm xanh có giá trị cao, có lãi 600.000 đồng/tấn.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đánh giá Nhà máy thép Việt-Trung đã đàm phán lại với phía Trung Quốc, xoay chuyển tình thế có lợi cho Tổng công ty Thép, thay đổi thành viên mô hình quản trị sang 2 thành viên và tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng qua đã có lãi 67 tỷ đồng. “Nếu thép Việt-Trung tiếp tục làm tốt thì sang năm sẽ cho ra khỏi danh sách yếu kém như với các dự án phân đạm”, Phó Thủ tướng cho biết.

 

Nhóm thứ hai, Phó Thủ tướng không hài lòng khi: “Hầu như không có chuyển biến gì mà tình hình còn tệ đi là nhóm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với các nhà máy đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ và các dự án, nhà máy nhiên liệu sinh học”.

Cụ thể, Nhà máy Ethanol Dung Quất tới nay không chạy lại được vì không bảo đảm cả yếu tố kinh tế và kỹ thuật. Xơ sợi Đình Vũ thì ngày càng xấu đi vì vướng vào kiện tụng. Còn Nhà máy Đóng tàu Dung Quất thì chưa thực hiện quyết toán hợp đồng thầu EPC khi xây dựng nhà máy giai đoạn 1 và chưa thống nhất được giá trị/chi phí thực hiện của chủ đầu tư dự án tàu 104.000 DWT để PVN làm cơ sở ký kết hợp đồng nhận nợ, thế chấp tài sản bảo đảm và trả nợ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Nhấn mạnh phương hướng xử lý các dự án, nhà máy trong thời gian tới, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu bám sát Kết luận của Bộ Chính trị nhằm đạt hai mục tiêu: Sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước theo lộ trình hết năm 2017 hoàn thành phương án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức xong việc triển khai các phương án (kể cả bán được Nhà máy Bột giấy Phương Nam); hết năm 2018 xử lý căn bản các yếu kém và tới năm 2020 thì hoàn thành xử lý các nhà máy, dự án này. Đồng thời xử lý nghiêm minh vi phạm quản lý kinh tế của các cá nhân, tập thể gây thua lỗ tại các dự án, nhà máy trên.

Về quan điểm thực hiện, Phó Thủ tướng khẳng định “kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường với 2 điểm là tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, nhà máy. Kiên quyết xử lý sớm vướng mắc pháp lý của các dự án. Ưu tiên bán dự án, nhà máy cho các nhà đầu tư ngoài nhà nước, cho phép giải thể các dự án không có khả năng, thu hồi tối đa tài sản...”.

Trước đó, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án này.  Bộ Chính trị yêu cầu tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

 

Trong năm 2017, hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém ở các dự án. Đến năm 2020 hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án. Xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án.

Về quan điểm, kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án nêu trên.

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán và báo cáo rà soát pháp lý, kiên quyết xử lý sớm, dứt điểm các tranh chấp, bất đồng phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu; tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, đồng thời kiên quyết thực hiện cho phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục; thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước cũng như đối với nền kinh tế nói chung.

Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp; quan tâm toàn diện bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, an sinh-xã hội, an ninh-quốc phòng, môi trường và ổn định xã hội; hết sức lưu ý khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý và điều hành đối với doanh nghiệp Nhà nước như thời gian qua.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo