Phó Tổng thư ký VBA: “Thuế không thể đứng ngoài ý nghĩa chống hàng lậu”
Ông Lê Bá Cơ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh đề xuất của Bộ Tài chính về việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia từ 50% lên 65%, rượu dưới 20 độ cồn tăng từ 25% lên 35%, rượu từ 20 độ cồn trở lên tăng từ 50% lên 65% so với mức đang áp dụng.
PV: Thưa ông, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phản ứng thế nào trước dự thảo của Bộ Tài chính về việc tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia, rượu?
Ông Lê Bá Cơ: Vừa qua, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam có nhận được văn bản dự thảo của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để tham gia góp ý trên cơ sở Bộ sẽ xem xét cho ngành trình Chính phủ và trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7 tới.
Theo dự thảo đó, thuế suất đối với rượu, bia sẽ tăng từ 10-15% so với mức hiện hành là cao. Vì vậy, chúng tôi đang tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp nhằm tính toán trên cơ sở khoa học mức giá thành và lãi, lỗ cụ thể để kiến nghị với Bộ Tài chính mức nào cho hợp lý (có thể tăng ở 5% hay 10%).
PV: Như vậy, phải làm thế nào để hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thưa ông?
Ông Lê Bá Cơ: Một mặt, thuế tăng theo lộ trình thì các doanh nghiệp phải thi hành nhưng mặt khác, thuế phải đảm bảo lợi ích ba bên, đó là: nguồn thu của Nhà nước, ổn định duy trì sản xuất và phát triển cho doanh nghiệp và cuối cùng quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với ngành rượu bia cũng như một số ngành khác trên cơ sở phù hợp với sự tham gia của Việt Nam đối với các hiệp định thương mại thế giới, cụ thể như với Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương. Khi tham gia vào các tổ chức thương mại thế giới, thuế nhập khẩu sẽ giảm dần, từ đó Nhà nước mới tính tăng thuế TTĐB để bù đắp phần nào thuế nhập khẩu (thuế nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao).
Nhưng lộ trình tăng thuế TTĐB phải phù hợp với lộ trình giảm thuế nhập khẩu mà Việt Nam cam kết. Hơn nữa, việc tăng thuế TTĐB phải phù hợp với các nước xung quanh bởi nếu Việt Nam áp mức thuế TTĐB cao quá thì hàng lậu sẽ tràn vào. Như vấn đề nhập lậu thuốc lá dù chống mãi nhưng hàng lậu thuốc lá qua biên giới vẫn rất lớn.
PV: Rõ ràng, khi tăng thuế suất thuế TTĐB sẽ lại tăng cơ hội cho nhập lậu bia, rượu qua biên giới?
Ông Lê Bá Cơ: Thuế không thể đứng ngoài ý nghĩa chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Rượu sản xuất công nghiệp tại Việt Nam hiện còn ít (chưa đầy 100 triệu lít mỗi năm) trong khi rượu dân tự nấu chiếm số lượng áp đảo. Vẫn biết rằng đánh thuế TTĐB là chung cho tất cả các loại rượu nhưng trên thực tế, rượu dân tự nấu thì không thu được thuế mà chỉ thu thuế của các nhà máy. Rõ ràng, với mức thuế hiện hành mà còn để thất thu thì mức thuế cao hơn nữa, việc thu thuế lại càng khó khăn.
Mặt khác, khi đưa thuế TTĐB lên cao hơn thì dân lại càng đổ xô vào dùng rượu tự nấu thậm chí dùng rượu trôi nổi trên thị trường có chất lượng kém, vệ sinh an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu, rất nguy hiểm cho sức khỏe. Cơ quan quản lý có trăm tay nghìn mắt cũng khó quản lý. Tương tự, bia tăng thuế suất cao quá sẽ ảnh hưởng đến giá bán, nếu giá chênh lệch nhiều với các nước xung quanh, hàng lậu hàng giả sẽ tràn vào, dù tăng cường lực lượng chức năng thì công tác phòng chống buôn lậu vẫn trăm bề khó.
PV: Lo ngại về việc nhập lậu bia, rượu tăng làm ảnh hưởng sản xuất trong nước. Vậy theo ông, bài toán này cần giải đáp thế nào cho thỏa đáng?
Ông Lê Bá Cơ: Quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi, phải bảo đảm hoạt động. Ngành bia nguyên liệu nhập khẩu và giá nguyên liệu hàng năm đều tăng, giờ cộng thêm tăng thuế TTĐB lên sẽ đẩy giá tăng đột biến. Do đó, lộ trình và mức tăng cần hợp lý để phù hợp với quá trình hội nhập giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh, đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng nhằm cạnh tranh với hàng ngoại nhập đồng thời đẩy lùi tình trạng nhập lậu qua biên giới.
PV: Đề xuất của Bộ Tài chính đang nhận được sự đồng tình của xã hội. Nếu dự thảo được thông qua, doanh nghiệp trong ngành phải làm gì để tồn tại và phát triển?
Ông Lê Bá Cơ: Trước hết các doanh nghiệp phải thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vừa qua, Hiệp hội cũng nhận được văn bản về chính sách chống lạm dụng rượu, bia. Chúng tôi cũng đang tiến hành thực hiện chính sách này với nhiều giải pháp mang tính chất vận động và tuyên truyền.
Sự phát triển của ngành với lạm dụng là hai điều khác nhau, không thể chống lạm dụng bằng cách kìm hãm sự phát triển của ngành. Cần hiểu chống lạm dụng khác với sự phát triển bình thường của một ngành, một doanh nghiệp theo quy luật cung cầu của thị trường. Một mặt, cần tuyên truyền hạn chế rượu bia, mặt khác, ngành này dù khó khăn vẫn phải phát triển để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo