Quản lý bảo tồn tổng thế di sản Huế: 8 năm vẫn dừng ở... dự thảo
GS-TS William Logan - Chủ tịch ban Di sản và Đô thị của UNESCO tại đại học Deakin - cho rằng, khu di sản Huế đang đứng trước nhiều mối đe dọa, và rất cần phải gấp rút xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn. Tuy nhiên, sau 8 năm, kế hoạch này vẫn đang ở mức dự thảo, theo chuẩn quốc tế là... rất chậm.
Nhiều mối đe dọa
Phát biểu tại hội thảo bảo tồn di sản kiến trúc gỗ Châu Á nhìn từ trường hợp VN và Nhật Bản - Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể di sản Huế vừa được TTBTDT cố đô Huế tổ chức, GS William Logan cho biết, vào thời điểm được ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO đánh giá là “giá trị nổi bật toàn cầu”, đó “thể hiện một bằng chứng nổi bật về quyền lực của chế độ phong kiến đã qua ở VN vào đỉnh cao đầu thế kỉ 19”, “là một ví dụ nổi bật về kinh đô phong kiến phương Đông”. Tuy nhiên, đến tháng 6.2014, tiêu chí “thể hiện một bằng chứng…” đã bị xóa bỏ trong tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu hồi tưởng lại quá khứ (OUV) do Ủy ban Di sản thế giới thông qua tại phiên họp thứ 38 (Doha, Quatar).
GS William Logan cho rằng, vùng đệm của khu di sản Huế quá nhỏ, không đảm bảo được các di tích trước những diễn biến phát triển không mong muốn đã gây tổn hại lớn đối với các yếu tố phong thủy, vốn là một phần trong “giá trị nổi bật toàn cầu” của di sản Huế. Dẫn chứng cụ thể được GS William Logan đưa ra: “Đoàn công tác hỗn hợp UNESCO - ICOMOS nhận thấy, tính toàn vẹn của di tích lăng Khải Định bị mất đi do xây dựng con đường tránh TP Huế gây tổn hại cho một trong những yếu tố phong thủy của quần thể di tích này, bị tiếng ồn và ô nhiễm không khí. Một vấn đề tương tự cũng đã xảy ra ở lăng Minh Mạng khi phải hứng chịu tiếng ồn không dứt của các xe tải hạng nặng đã ảnh hưởng đến không gian tĩnh lặng vốn có của di tích này”. Ngoài ra, những xâm hại khác dọc theo dòng sông Hương đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan văn hóa của khu di sản Huế. Còn ở khu vực Kinh thành, một số công trình có chiều cao vượt giới hạn cho phép cũng đang là mối đe dọa.
Cần thiết lập cơ chế giám sát
Kể từ năm 2005, Ủy ban Di sản thế giới đã ra lời kêu gọi đến cuối năm 2008 phải có kế hoạch quản lý bảo tồn cho khu di sản Huế một cách toàn vẹn cả di tích lẫn cảnh quan xung quanh. Tuy nhiên, “đã 8 năm trôi qua mà giờ đây chúng ta vẫn còn đang ở mức dự thảo kế hoạch quản lý qảo tồn, theo chuẩn quốc tế là rất chậm”.
Vị GS này cũng thừa nhận những khó khăn mà các cơ quan quản lý đang đối mặt, cũng như nêu ra một số vấn đề của TP.Huế như: Dân số đông hơn; hoạt động phát triển trong cảnh quan văn hóa Huế và các tác động đối với sông Hương, cũng như các di tích ngày một nghiêm trọng hơn. Do đó, việc xây dựng kế hoạch quản lý bảo tồn di sản Huế: “Đó là điều đặc biệt quan trọng trong quá trình lập kế hoạch cho các thế hệ tương lai của Huế. Đây là điều cốt lõi để tiếp tục giữ được bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường xanh và phát triển du lịch cũng như ngành công nghiệp giải trí của Huế”. Và ông cũng lưu ý rằng, kế hoạch này phải có chính sách, các luật lệ và hướng dẫn đủ mạnh để bảo vệ “giá trị nổi bật toàn cầu” của di sản Huế.
GS William Logan cũng cảnh báo rằng, nếu không thiết lập được các cơ chế và điều chỉnh trong kế hoạch quản lý bảo tồn tổng thể, sẽ làm giảm “giá trị toàn cầu nổi bật” của di sản Huế. “Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho Huế. Những mối quan ngại của UNESCO và Ủy ban Di sản thế giới sẽ vẫn tiếp tục. Nếu các báo cáo tình trạng bảo tồn sau này vẫn tiếp tục nêu vấn đề này, thì có thể Ủy ban Di sản thế giới coi đây là sự không tuân thủ và khuyến nghị đưa Huế vào danh sách các Di sản thế giới bị đe dọa hoặc thậm chí loại ra khỏi danh sách Di sản thế giới”…
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo