Quốc tế

Báo Mỹ: Tiêm kích F-35 của Anh không có tên lửa vẫn đánh chìm được khinh hạm Nga

Có một thực tế là, tiêm kích tàng hình F-35 trong biên chế Anh và Mỹ chưa được trang bị tên lửa chống hạm chuyên dụng.

Thêm một bước tiến của tàu ngầm Nga khiến NATO lo ngại / Hàng không mẫu hạm Anh tiếp cận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria

Những hành động khiêu khích luân phiên

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), kể từ cuối tuần trước, hai hạm đội đối địch - một của Nga và một của NATO - đã luân phiên giả định đánh chìm tàu chiến đối phương tại những vùng biển đông đúc ở Địa Trung Hải và Biển Đen.

Các máy bay ném bom Nga, được yểm trợ bởi các tiêm kích trang bị tên lửa siêu vượt âm, đã thực hành ít nhất một cuộc tấn công chớp nhoáng giả định nhằm vào tàu sân bay Anh trong lúc các phi cơ khác của Nga tìm cách "quấy rối" lực lượng hộ tống của con tàu này.

Trong khi đó, các tiêm kích tàng hình của tàu sân bay Anh đã đáp trả bằng cách để một trong số những chiếc máy bay "qua mặt radar" này lượn quanh một tàu chiến Nga.

Lực lượng các bên bắt đầu tiến vào Địa Trung Hải và Biển Đen từ vài tuần trước. Hồi cuối tháng 5, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã dẫn đầu nhóm tàu tấn công - gồm 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm, 2 tàu cung ứng và 1 tàu ngầm hạt nhân [đều của Anh], cùng 1 tàu khu trục của Hà Lan và 1 tàu khu trục Mỹ - tiến vào Địa Trung Hải.

3 tuần sau đó, tàu sân bay Queen Elizabeth đã triển khai 18 tiêm kích F-35B [cả của Anh và Mỹ] tấn công các phiến quân ở Syria.

Trong khi đó, tàu khu trục HMS Defender và khinh hạm HNLMS Evertsen của Hà Lan đã tách khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay này và đi vào Biển Đen, nơi NATO tổ chức cuộc tập trận với Ukraine. Cuộc tập trận mang tên Sea Breeze với sự tham gia của 32 tàu chiến, 40 máy bay và hàng nhìn binh lính đến từ 32 quốc gia NATO, cũng như đối tác của liên minh này.

Báo Mỹ: Tiêm kích F-35 của Anh không có tên lửa vẫn đánh chìm được khinh hạm Nga - Ảnh 1.
Tiêm kích Su-30 Nga áp sát khinh hạm HNLMS Evertsen. Ảnh: Hải quân Hà Lan.

Không kém cạnh, Kremlin đã tổ chức một cuộc tập trận với 5 tàu chiến, bao gồm tuần dương hạm Moskva, 2 khinh hạm, 1 cặp tàu ngầm diesel-điện, cùng với các máy bay ném bom và chiến đấu cơ triển khai từ căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. 6 tàu khác của Nga - hầu hết là tàu hỗ trợ - cũng đang có mặt ở Địa Trung Hải.

Lực lượng hai phía thay phiên khiêu khích nhau. Các máy bay ném bom Tu-22M trang bị tên lửa chống tàu Kh-22 và các tiêm kích MiG-31 mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã thực hành tấn công vào tàu sân bay Queen Elizabeth dưới sự yểm trợ của Su-35 và Su-34. Cuộc tập kích kết thúc bằng một vụ phóng tên lửa Kinzhal mô phỏng.

Với tốc độ Mach 10, Kinzhal là một trong những vũ khí siêu vượt âm sẵn sàng hoạt động đầu tiên trên thế giới. Không rõ hiệu quả của loại đạn cồng kềnh này trong việc chống lại các tàu chiến tốc độ cao như thế nào nhưng Tổng Tư lệnh Không quân Nga Sergei Surovikin cho biết ông rất tự tin vào khả năng của Kinzhal.

"Việc sử dụng đầu dò mục tiêu [có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết] ở pha cuối của hành trình bay siêu thanh giúp đảm bảo độ chính xác và tính chọn lọc cần thiết để đánh trúng mục tiêu vào bất cứ thời điểm nào trong ngày" - ông Surovikin nói.

Báo Mỹ: Tiêm kích F-35 của Anh không có tên lửa vẫn đánh chìm được khinh hạm Nga - Ảnh 2.
Các máy bay ném bom Tu-22M thực hành tấn công giả định tàu chiến NATO ở Địa Trung Hải. Ảnh: Không quân Nga.

Trong bất cứ tình huống nào, tên lửa Kinzhal và Kh-22, dù với cấu hình và cảm biến khác nhau, đều có thể tạo ra một sự kết hợp chết người. Rob Lee - nhà phân tích tại Ban các nghiên cứu chiến tranh, Đại học Hoàng đế London (KCL) nhận định: "Sẽ rất hợp lý nếu để chúng [các máy bay ném bom Tu-22M và tiêm kích MiG-31K] cùng nhau huấn luyện tấn công tàu sân bay hoặc các nhóm tàu sân bay".

 

F-35 có thể đánh chìm kinh hạm của Nga

Trong khi các máy bay chiến đấu của Nga tại Syria tiến về phía tàu sân bay Queen Elizabeth ở đông Địa Trung Hải thì các tiêm kích Nga từ Crimea hoặc những căn cứ gần đó được cho là đã quấy rối tàu khu trục HMS Defender của Anh và tàu Evertsen của Hà Lan trong lúc các tàu này đi qua Biển Đen.

Hôm 23/6, các máy bay Su-24 đã bay ở tầm thấp trên đầu tàu Defender khi con tàu của Anh di chuyển qua vùng biển quốc tế gần Crimea.

Ngày hôm sau, khoảng 10 chiếc Su-24 và Su-30 [ít nhất một trong số chúng mang tên lửa chống hạm Kh-31] bị cáo buộc đã quấy rối tàu Evertsen trong... nhiều giờ đồng hồ. Lực lượng Nga được cho là đã tìm cách gây nhiễu các cảm biến trên khinh hạm này.

Phía Hà Lan đã vô cùng giận dữ. "Evertsen đã di chuyển trên vùng biển quốc tế" - George Pastoor, hạm trưởng của tàu Evertsen tuyên bố - "Không có lý do gì cho những hành động gây hấn này".

Phi đội tiêm kích hạm của tàu Queen Elizabeth đã thể hiện sự ủng hộ với Hà Lan, dù theo cách ít dữ dội hơn. Ít nhất một tiêm kích F-35 [trong lúc những chiếc khác đang bận bịu tập trận trên lãnh thổ Israel] đã quấy rối hạm đội chủ lực của Nga trong ngày 28/6 [hoặc trước đó].

 

Một thủy thủ Nga đã đăng video ghi lại hình ảnh chiến đấu cơ tàng hình này lượn vòng quanh một khinh hạm của hạm đội Nga, có vẻ là chiếc Đô đốc Makarov.

Theo Forbes, F-35 về cơ bản không phải là "sát thủ diệt hạm". Tiêm kích tàng hình trong biên chế Anh và Mỹ chưa được trang bị tên lửa chống hạm chuyên dụng. Thế nhưng, điều này không có nghĩa nó không thể đánh chìm khinh hạm Nga trong tình huống cần thiết. Bom lượn dẫn đường bằng GPS của F-35 vẫn có thể đục thủng một lỗ trên thân tàu với hiệu quả đáng tin cậy như tên lửa.

Những hành động khiêu khích lẫn nhau này tạo cảm giác như những gì từng diễn ra trong những năm 1980. Căng thẳng đang gia tăng khi cả Nga và NATO đều đang tích cực tăng cường lực lượng ở sườn phía nam.

Pavel Luzin, một chuyên gia độc lập về quân đội Nga, nhận định "Nga đang muốn chứng tỏ họ là cường quốc thống trị ở Biển Đen và sẵn sàng sử dụng vũ lực chống lại các đối thủ của mình".

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm