Quốc tế

Iran chỉnh sửa UAV Shahed-136 để giúp Nga nâng mức độ hủy diệt hạ tầng Ukraine?

Nga được cho là đã sử dụng rất hiệu quả UAV do Iran cung cấp để đánh vào cơ sở hạ tầng của Ukraine trong xung đột quân sự giữa 2 nước. Một số nghiên cứu mới đây cho rằng Iran đã chỉnh sửa các UAV như vậy nhằm tăng mức độ hủy diệt của chúng trên chiến trường.

Lý do Pháp chỉ viện trợ máy bay chiến đấu cũ Mirage 2000 cho Ukraine / Tổng thư ký NATO: Số đạn pháo Ukraine bắn mỗi ngày vượt xa khả năng sản xuất của phương Tây

UAV được chỉnh sửa theo hướng phát tán rộng mức độ tàn phá

Thông tin mới đây cho hay, trong các loạt tấn công bằng tên lửa và UAV ở miền Đông và Nam Ukraine, người ta đã chỉnh sửa các UAV cảm tử Shahed-136 (được quân đội Nga sử dụng rộng rãi) nhằm tối đa hóa mức độ tàn phá của các thiết bị bay không người lái này cho cơ sở hạ tầng của Ukraine.

iran chinh sua uav shahed-136 de giup nga nang muc do huy diet ha tang ukraine hinh anh 1

UAV Shahed của Iran. Ảnh: Eurasian Times.

Một bài báo điều tra độc quyền mới đây của CNN tiết lộ vào ngày 9/2 rằng Iran được cho là đã chỉnh sửa các UAV cảm tử được họ xuất sang Nga nhằm bảo đảm thuốc nổ trên UAV có thể gây tổn hại to lớn cho các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.

Bài điều tra đó được cho là do quân đội Ukraine và nhóm nghiên cứu Conflict Armament Research (nghiên cứu về trang bị vũ khí trong xung đột, viết tắt là CAR) thực hiện. Hai tổ chức này đã nghiên cứu đầu đạn chưa nổ lấy từ một UAV Shahed-131 của Iran được phát hiện gần thành phố Odessa nằm ở miền Nam Ukraine vào tháng 10/2022.

Theo bài báo, cấu tạo của đầu đạn giải thích vì sao việc Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine lại thành công đến như vậy trong vài tháng qua. Bài báo cho biết, các đầu đạn của UAV này đã được chỉnh sửa gấp gáp bằng cách sử dụng các lớp mẩu kim loại nhỏ mà khi phát nổ sẽ phân tán trên một bán kính rộng.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng bên cạnh các mảnh vỡ, còn có 18 khối nổ nhỏ hơn xung quanh đầu đạn.

Các bộ phận như vậy có tác dụng giúp đầu đạn tăng khả năng xé mục tiêu, bao gồm các nhà máy điện, lưới phân phối điện, đường dây truyền tải và các trạm biến thế lớn. Bên cạnh đó, chúng cũng làm phức tạp đáng kể các hoạt động sửa chữa sau khi bị bắn phá.

Damien Spleeters - một trong các nhà điều tra đã xem xét đầu đạn này, nói rằng đầu đạn nhắm vào các thiết bị quân sự như xe tăng hay pháo có thể được cấu tạo khác nhau và sử dụng một lượng nổ lõm (hội tụ năng lượng vào một điểm) cho các mục tiêu chuyên biệt hơn.

 

Tuy nhiên đầu đạn mà CAR kiểm tra lại có hiệu ứng lượng nổ lan tỏa rộng, để gây ra tác động trên diện rộng.

Spleeters phân tích tiếp: “Người ta thường đồn đoán rằng các thuốc nổ này thuộc dạng thô, rẻ và đơn giản. Nhưng nhìn kỹ thì thấy rõ rằng người ta đã đầu tư nhiều trí tuệ vào thiết kế đầu đạn và thuốc nổ để đảm bảo gây thật nhiều hư hại cho cơ sở hạ tầng trong một bán kính lớn”.

Điều này gợi nhắc lại một phân tích trước đó của tổ chức nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London nói rằng mặc dù các nhà phân tích xếp Shahed-131 và 136 vào “UAV lảng vảng”, các vũ khí này chủ yếu được triển khai để đánh cảm tử vào các mục tiêu cụ thể hơn là bay lượn tìm kiếm các mục tiêu có giá trị. Chúng được sử dụng chủ yếu để phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Quân đội Ukraine cũng nhận thấy điều này. Họ đã chặn các UAV cảm tử đó để ngăn chúng tấn công vào mạng lưới điện, khiến nước này chìm trong bóng tối vào mùa đông lạnh giá.

Đợt tấn công mới bằng UAV vẫn gây khó cho Ukraine

 

Nga mở một cuộc tấn công tên lửa và UAV mới vào ngày 10/2 vừa qua, tấn công hạ tầng trọng yếu ở Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, đồng thời thực hiện nhiều cuộc tấn công vào cơ sở năng lượng ở Zaporizhzhia.

Nghiên cứu trên xuất hiện sau khi có các báo cáo chỉ ra rằng giới chức Iran đã thăm một địa điểm bên trong lãnh thổ Nga để lên kế hoạch chi tiết về một nhà máy UAV có năng lực sản xuất 6.000 UAV cho Nga trong các năm tới đây. Tehran sau đó bác bỏ các báo cáo này, phủ nhận có kế hoạch như vậy và tố phương Tây đã nuôi dưỡng rắc rối ở Ukraine.

Nếu các tuyên bố trong cuộc điều tra nói trên có điều gì đó đáng tin cậy thì đó có thể là bằng chứng cho thấy Iran không chỉ hỗ trợ Nga bằng những thứ vũ khí Nga cần mà còn đang nỗ lực giúp Nga gia tăng sức công phá của vũ khí đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Chi tiết về việc phát triển UAV Shahed-131 và Shahed-136 vẫn chưa rõ ràng nhưng các chuyên gia lưu ý rằng Shahed-136 là phiên bản thu nhỏ của Shahed-131 mà Iran từng sử dụng để không kích Saudi Arabia.

Theo các thông tin nguồn mở, tầm bay của Shahed-131 ước tính là từ 700-1.000km. Các nhà phân tích khác nhau đánh giá tầm bay của phiên bản 136 dao động từ 1.000 đến 2.000km.

 

Các UAV này có tốc độ bay chậm và phát ra tiếng ồn từ động cơ của chúng, do vậy dễ bị phát hiện và bắn hạ. Tuy nhiên, Ukraine phải mất thời gian đáng kể để xử lý chúng. Quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ khá nhiều UAV loại này.

UAV cảm tử Shahed tỏ ra có tác dụng lớn nhất trong việc phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, từ đó làm giảm năng lực quân sự của nước này.

Nhà sản xuất điện quốc gia của Ukraine, Ukrenergo, cho biết vào tháng 10/2022 rằng các UAV này phá hủy cơ sở hạ tầng ngành điện nhanh hơn mức độ sửa chữa của nhà nước.

Nga bắt đầu triển khai UAV cảm tử kiểu Shahed chống lại Ukraine vào giữa tháng 10/2022. Tuy nhiên, phải đến tháng 11 năm đó, Iran mới lần đầu thừa nhận có cung cấp các UAV sát thương này cho Nga. Các UAV đó được gửi tới Nga trước khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào tháng 2/2022.

Trong cuộc xung đột hiện nay với Ukraine, Nga đã nhận hơn một lô UAV Shahed-136 và Shahed-131 xuất từ Iran sang. Đợt chuyển giao mới nhất được cho là hoàn thành vào tháng 12/2022.

 

Vào tháng 1/2023, Viện nghiên cứu Chiến tranh (có trụ sở ở Mỹ) nhận thấy số lượng UAV của Nga đã bị suy giảm do Nga thường xuyên sử dụng loại vũ khí này để tấn công cơ sở hạ tầng thiết yếu của Ukraine.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm