Quốc tế

Nga cảnh báo hậu quả nguy hiểm nếu NATO đưa quân tới Ukraine

Trước thông tin một số quốc gia thành viên NATO có thể đưa quân tới hỗ trợ Ukraine, Nga cảnh báo nếu điều này xảy ra sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm và có khả năng dẫn tới xung đột trực diện giữa Nga và NATO.

RS-26 Rubezh là câu trả lời của Nga trước tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Mỹ / Bom JDAM-ER của Ukraine phải 'thông minh hơn' để đối phó với Nga

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây tiếp tục tái khẳng định lập trường của Nga trước khả năng các nước NATO điều quân tới Ukraine. Theo ông Peskov, sự can thiệp trực tiếp trên thực địa của quân đội các nước NATO vào cuộc xung đột tại Ukraine có thể gây ra mối nguy hiểm to lớn và Nga coi đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng.

“Tuyên bố của một số đại diện các nước phương Tây mà cụ thể là tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron, Ngoại trưởng Anh Cameron và cả đại diện Thượng viện Mỹ, nếu tôi không nhầm, họ đã nói về sự sẵn sàng và thậm chí có ý định điều động lực lượng vũ trang đến Ukraine, tức là thực sự đưa binh sĩ NATO ra đối đầu với quân đội Nga. Đây là một mức độ leo thang hoàn toàn mới, chưa từng có và tất nhiên cần có sự quan tâm đặc biệt và các biện pháp đặc biệt”, ông Peskov nhấn mạnh.

nga canh bao hau qua nguy hiem neu nato dua quan toi ukraine hinh anh 1

Nga cảnh báo hậu quả nguy hiểm nếu NATO đưa quân tới Ukraine. Ảnh: Getty

Phản ứng của Nga được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều tiếng nói trong NATO về khả năng đưa quân đội đến hỗ trợ cho Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Financial Times ngày 8/5, Thủ tướng Litva va Ingrida Simonyte tuyên bố, nước này sẵn sàng đưa binh sĩ tới Ukraine tham gia sứ mệnh huấn luyện, bất chấp mối đe dọa hạt nhân từ Nga.

Tuyên bố của Thủ tướng Simonyte là động thái mới nhất làm leo thang căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục đưa ra ý tưởng và kêu gọi các nước đồng minh đưa quân tới Ukraine.

Mới đây Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm 2/5 cũng cho biết, Ukraine có quyền sử dụng tên lửa tầm xa do Anh gửi để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga – động thái khiến Nga triệu tập Đại sứ Anh để phản đối.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, đây hoàn toàn là các động thái đơn lẻ của một số quốc gia NATO mà không phải là chính sách chung của liên minh này. Nhật báo Corriere, Italia dẫn một dự thảo tài liệu của NATO cho biết, NATO đang lên kế hoạch thông qua nghị quyết “không triển khai quân trên thực địa” ở Ukraine. Theo đó “không triển khai quân trên thực địa” sẽ là cụm từ chính có trong bản dự thảo tài liệu dự kiến được đưa ra thảo luận và phê duyệt tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Washington từ ngày 9 đến 11/7.

Thông tin này cũng được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận trong chuyến thăm Italia hôm (8/5). Tổng thư ký NATO khẳng định, cuộc chiến ở Ukraine phải được ngăn chặn, tuy nhiên NATO không có ý định can dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“NATO không có ý định triển khai lực lượng tới Ukraine. Khi tôi đến thăm Ukraine vào tuần trước, Ukraine đã không yêu cầu NATO đưa quân tới đây, điều họ yêu cầu là được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Stoltenberg nói.

 

Từ khi xung đột Ukraine nổ ra, NATO đã tích cực hỗ trợ Ukraine thông qua các gói viện trợ tài chính và vũ khí, tuy nhiên liên minh này vẫn giữ lập trường không can thiệp trực tiếp bằng quân đội - điều mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo có thể dẫn đến xung đột trực diện giữa hai bên và có thể là ngòi nổ cho Thế chiến thứ ba.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm