Quốc tế

Nhìn lại chiếc tiêm kích Liên Xô đã bắn rơi máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1983

DNVN - Ngày 31/8/1983, một chiếc Su-15 Flagon của Liên Xô đã bắn rơi máy bay Boeing 747 của Hàn Quốc chở 269 người, gây ra một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử hàng không.

Đài Loan nâng cấp pháo chính cho hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực / Xe tăng M60 Patton "lột xác" sánh ngang T-72B3 nhờ gói nâng cấp cực mạnh

Su-15 Flagon là một máy bay đánh chặn siêu âm 2 động cơ được phát triển bởi phòng thiết kế Sukhoi của Liên Xô trong những năm 1960 với mục đích thay thế cho Su-11. Su-15 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 30/5/1962 và chính thức vào biên chế năm 1965.

Những phiên bản ban đầu gồm Su-15 Flagon-A và Su-15UT Flagon-C được lắp cánh tam giác tương tự như MiG-21 nhưng thiết kế này khiến cho việc cất cánh và hạ cánh không được tốt.

Vào năm 1969, Sukhoi đã nghiên cứu thiết kế một loại cánh mới với đầu mút mở rộng (diện tích cánh được tăng dần) và điều khiển lớp ranh giới, cánh không hẳn là một hình tam giác mà một cạnh của nó hơi cong. Phiên bản này được NATO gọi là Flagon-D dù tên gọi ở Liên Xô vẫn không thay đổi.

Quá trình biến đổi của đôi cánh tiêm kích Su-15 Flagon. Ảnh: Wikipedia.

Quá trình biến đổi của đôi cánh tiêm kích Su-15 Flagon. Ảnh: Wikipedia.

Thông số cơ bản của Su-15TM Flagon-F (phiên bản Su-15 hoàn thiện nhất và được sản xuất nhiều nhất): Kíp lái 1 người; chiều dài 19,56 m; sải cánh 9,34 m; diện tích cánh 36,6 m2; chiều cao 4,84 m. Trọng lượng rỗng 10.874 kg; trọng lượng cất cánh 17.200 kg.

Máy bay được trang bị 2 động cơ Tumansky R-13F2-300 công suất 40,21 kN và 70 kN khi đốt nhiên liệu lần 2 mỗi chiếc cho vận tốc tối đa Mach 2,1; tầm bay 1.780 km, trần bay 18.100 m; vận tốc lên cao 228 m/s.

Su-15 Flagon có tốc độ và vận tốc lên cao rất tốt. Việc cất cánh và hạ cánh có tốc độ tương đối cao, vận tốc cất cánh là 395 km/h với loại cánh tam giác cũ của Flagon-A và 370 km/h với loại cánh lớn của Flagon-F (Ảnh). Hệ thống điều khiển nhạy và chính xác, chiếc máy bay này không dành cho các phi công hay phạm sai lầm.

Su-15 đã bỏ kiểu khe hút khí ở đầu mũi mà chuyển sang 2 khe ở bên thân, để lấy không khí nhiều hơn cho 2 động cơ phản lựcTumansky loại lớn. Sự thay đổi trên tạo ra khoảng trống lớn hơn cho hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu Oriol-D (NATO: "Skip Spin").

 

Mặc dù nó có radar mạnh hơn nhưng Flagon giống như các máy bay đánh chặn khác của Liên Xô trước năm 1980 đều phải phụ thuộc rất lớn vào hệ thống kiểm soát mặt đất, máy bay sẽ được chỉ định tấn công mục tiêu từ trung tâm này.

Một chiếc Su-15 Flagon làm nhiệm vụ tuần tra không phận. Ảnh: Wikipedia.

Một chiếc Su-15 Flagon làm nhiệm vụ tuần tra không phận. Ảnh: Wikipedia.

Khi thực hiện nhiệm vụ, Su-15 Flagon thường mang theo cấu hình vũ khí gồm 2 tên lửa không đối không R-98M (AA-3 Anab) tại giá treo phía ngoài, 2 hoặc 4 tên lửa R-60 (AA-8 Aphid) tại các giá treo phía trong và có thể tùy chọn mang 2 pháo UPK-23-250 23 mm trên giá treo ở giữa thân.

 

Đã có tất cả 1.290 chiếc Su-15 Flagon ở tất cả các biết thể được chế tạo trong giai đoạn từ 1966 - 1979. Giống như các máy bay nhạy cảm khác Su-15 chưa bao giờ được Liên Xô xuất khẩu cho các nước đồng minh thuộc khối Warszawa.

Là một trong trong những máy bay đánh chặn chính của Quân chủng Phòng không Xô viết (V-PVO), Su-15 chưa trải qua bất kỳ cuộc không chiến nào với máy bay NATO.

Tuy nhiên nó lại có liên quan tới khá nhiều vụ đụng độ với máy bay trở khách mà vụ nổi tiếng nhất diễn ra ngày 31/8/1983 khi một chiếc Su-15 đã bắn rơi máy bay Boeing 747 của Hàn Quốc chở 269 người, đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới.

Sau khi Liên Xô tan rã, toàn bộ số Su-15 được chia cho Nga và Ukraine. Tại Nga, Su-15 bất ngờ bị rút khỏi biên chế vào năm 1993 để tuân thủ Hiệp ước vũ trang thông thường Châu Âu. Ở Ukraine, những chiếc Su-15 cuối cùng (tại Kramatorsk và Belbek) đã ngừng hoạt động vào năm 1996.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm