Quân sự thế giới hôm nay (10/12): UAV của Nga "hạ" UAV Ukraine, Lục quân Mỹ tiếp nhận lô tên lửa PrSM đầu tiên
Xe bọc thép lội nước Panus R600 của Thái Lan có gì đặc biệt? / Clip: Polonez-M - Hệ thống pháo phản lực phóng loạt nguy hiểm nhất châu Âu
Bộ Quốc phòng Nga mới đây công bố đoạn video ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay không người lái (UAV) của Nga đã đụng và làm rơi một chiếc UAV “Baba Yaga” của Ukraine.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, trong khi trở về sau một nhiệm vụ trinh sát trên không, người điều khiển UAV của Nga đã phát hiện một chiếc “Baba Yaga” đang quay về vị trí của lực lượng vũ trang Ukraine. “Người điều khiển UAV của Nga đã quyết định phá hủy UAV 6 cánh của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Sau khi đạt được độ cao, chiếc UAV của Nga đã đâm vào UAV của đối phương từ trên cao, khiến nó rơi xuống khu vực do lực lượng Nga kiểm soát”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Hình ảnh UAV của Nga đâm vào UAV “Ma cà rồng” của Ukraine ở Bakhmut. Video: Sputnik |
Được sản xuất trong nước và đặt theo tên của một phù thủy trong thần thoại, Baba Yaga được trang bị camera hồng ngoại và có thể mang 4 quả đạn 82mm hoặc 2 quả đạn 120mm và đạt tốc độ 23m/giây, dùng để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có xe bọc thép hạng nhẹ và kho đạn dược. Mặc dù thiết kế nhỏ gọn, nhưng Baba Yaga rất mạnh khi có thể mang trọng tải lên tới 15kg với tầm hoạt động 10km. Hiệu quả của UAV này khiến chúng trở thành “ác mộng” thực sự trên chiến trường.
Một đặc điểm khiến UAV này nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh là khả năng chụp ảnh nhiệt ưu việt của nó. Tính năng này cho phép người vận hành xác định và ngắm bắn mục tiêu vào ban đêm. Khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm và mang được trọng tải lớn khiến Baba Yaga trở thành khí tài quý giá. Đặc biệt hơn, Baba Yaga được cho là có thể “né” được các hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí chống UAV.
* Lục quân Mỹ tiếp nhận lô tên lửa tấn công chính xác tầm xa PrSM Increment 1 đầu tiên
Trang Defense News đưa tin, Lục quân Mỹ vừa tiếp nhận lô tên lửa tấn công chính xác tầm xa PrSM Increment 1 đầu tiên để thay thế cho hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) MGM-140. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với chương trình PrSM và là một trong 24 chương trình hiện đại hóa quan trọng mà Lục quân Mỹ đang cố gắng hoàn thành trong năm 2023.
PrSM là chương trình hàng đầu và là công nghệ chủ chốt trong danh mục hỏa lực chính xác tầm xa của Quân đội Mỹ. Chương trình này nhằm hiện thực hóa những ưu tiên trong hiện đại hóa quân đội được nước này xác định vào năm 2017.
Lục quân Mỹ tiếp nhận lô tên lửa tấn công chính xác tầm xa nhằm thay thế cho hệ thống tên lửa chiến thuật. Ảnh: Lục quân Mỹ |
Được phát triển bởi Lockheed Martin, PrSM là tên lửa đất đối đất có thể được phóng từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 và hệ thống tên lửa phóng loạt M270A2. Theo Trung tâm hỗ trợ mua sắm của Lục quân Mỹ, tên lửa có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và có thể được trang bị đạn chùm, cho phép nó tấn côngmột khu vực rộng lớn.
Vào tháng 11, Lục quân Mỹ đã tiết lộ sẽ sớm thay thế kho ATACMS bằng biến thể Increment 1 nhằm nâng cao đáng kể phạm vi và khả năng sát thương của hỏa lực chính xác tầm xa của quân đội.
PrSM có tầm bắn khoảng 400km. Theo tài liệu của mô tả chi tiết từ Lầu Năm Góc về chương trình PrSM, tên lửa mới cũng tăng gấp đôi sức mạnh hỏa lực cho hệ thống HIMARS khi hệ thống này có thể mang theo 2 quả PrSM thay vì chỉ 1 quả ATACMS.
* Hải quân Đức trang bị ngư lôi Raytheon Mk 54 cho Boeing P-8 Poseidon
Navy Recognition dẫn thông báo của Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt chương trình bán ngư lôi hạng nhẹ Mk 54 và các thiết bị đi kèm cho Chính phủ Đức.
Thương vụ trị giá 300 triệu USD này bao gồm các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, hậu cần nhằm nâng cao khả năng tác chiến chống tàu ngầm trên máy bay tuần tra hàng hải Boeing P-8A Poseidon của Đức, giúp nước này sẵn sàng chống lại các mối đe dọa hiện tại và tương lai.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê duyệt chương trình bán ngư lôi hạng nhẹ Mk 54 và các thiết bị đi kèm cho Chính phủ Đức. Ảnh: naval-technology.com |
Ngư lôi hạng nhẹ Mark 54 (Mk 54-trước đây gọi là ngư lôi lai hạng nhẹ, hay LHT) là ngư lôi tác chiến chống tàu ngầm tiêu chuẩn cỡ 324mm. Vũ khí này là sản phẩm của sự hợp tác giữa Raytheon và Hải quân Mỹ trong trong chương trình ngư lôi lai hạng nhẹ của Hải quân Mỹ nhằm khắc phục các yếu điểm còn tồn tại của Mk 50 và Mk 46. Mk 50, được phát triển để chống lại các tàu ngầm hạt nhân hiệu suất rất cao như lớp Alfa, được cho là quá đắt đỏ cho nhiệm vụ chống ngầm thông thường di chuyển chậm. Trong khi đó, Mk 46 cũ hơn không được đánh giá cao bởi hiệu suất hoạt động kém tại vùng nước nông.
Được thiết kế từ năm 1999 và sản xuất hàng loạt từ năm 2003, Mk 54có chiều dài 2,71m, đường kính 32,3cm, trọng lượng 275,7kg, chứa đầu đạn dẫn đường nặng khoảng 45kg, độ sâu hoạt động tối đa 365m. Với động cơ pittông, đốt nhiên liệu lỏng Otto II, ngư lôi hạng nhẹ này có thể đạt tốc độ 74,1km/giờ.
Ngư lôi được tích hợp hệ thống dẫn đường TG-6000 IMU để đo chuyển động và gia tốc ba chiều chính xác. Mk 54 có thể được bắn từ tàu mặt nước thông qua ống phóng ngư lôi Mk 32 hoặc bệ phóng thẳng đứng (ASROC) và từ hầu hết các máy bay tác chiến chống ngầm.
Mk 54 được đánh giá là một trong số vũ khí đắt hàng khi được nhiều quốc gia trên thế giới đặt mua. Ngư lôi hạng nhẹ này đã được trang bị cho máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Anh nhằm tấn công cả các mục tiêu trên mặt nước và dưới nước.
- Video: Nexter Titus - Xe bọc thép đa năng của Pháp. Nguồn: QĐND.
End of content
Không có tin nào tiếp theo