Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (8/12): Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV mới

Quân sự thế giới hôm nay (8/12/2023) có những nội dung sau: Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV đời mới, Mỹ cấm bay phi đội V-22 Osprey trên toàn cầu, “ngựa thồ” A400M có thêm khả năng mới.

Nga dùng năng lượng hạt nhân duy trì sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới / Tiểu đoàn xe tăng M-55S của Quân đội Ukraine biến mất bí ẩn

* Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV đời mới
Theo Army Recognition, tại Triển lãmquốc phòng Ai Cập (EDEX-2023), Hiệp hội công nghiệp quốc phòng Ukraine (NAUDI) trưng bày một loạt công nghệ chống máy bay không người lái (UAV) do công ty Kvertus Technology của nước này phát triển. Nổi bật trong số đó là hệ thống gây nhiễu di động AD Hunter, súng AD G-6+ và tổ hợp gây nhiễu di động AD Counter FPV.
Quân sự thế giới hôm nay (8-12): Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV mới
Các thiết bị được Ukraine giới thiệu gồm hệ thống AD Hunter (phía sau), súng AD G-6+ (bên trái) và biến thể ba-lô của tổ hợp AD Counter FPV (bên phải). Ảnh: Army Recognition.

AD Hunter là hệ thống gây nhiễu di động nhằm ngăn chặn các dải tần sóng 2,4GHz, 5,8GHz và 1,6GHz thường được sử dụng để điều khiển UAV. Toàn bộ tổ hợp chỉ nặng 5,3kg, dài 28,5cm, cao 25,5cm và rộng 9,5cm, bao gồm thân máy, bộ sạc, chân máy, túi đựng. Nó hoạt động bằng pin trong 60 phút trong dải nhiệt độ từ -20 độ C đến +60 độ C, phạm vi hoạt động 2.000m.

AD G-6+ được thiết kế như một khẩu súng cá nhân nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng khỏi UAV đối phương trong phạm vi 3.500m và mức độ sẵn sàng chiến đấu cao bởi chỉ mất 0,5 giây để khởi động. Súng có chiều dài 76,5cm, cao 33,5cm, rộng 10cm, tổng khối lượng 6kg, thời gian hoạt động liên tục 20 phút với cục pin 24V 6Ah và gấp đôi với cục pin 24V 12Ah. Bên cạnh việc vô hiệu hóa các kênh điều khiển UAV, súng có thể chế áp để buộc máy bay không người lái phải hạ cánh trong phạm vi nhất định.

Trong khi đó, tổ hợp AD Counter FPV lại chuyên dùng để khắc chế dòng UAV dạng góc nhìn thứ nhất(FPV)- loại UAV tích hợp thêm camera và là một trong những vũ khí chính xuất hiện trên chiến trườngUkraine hiện nay. Thiết bị này có kích thước 80 x 20 x 16cm, nặng 5kg với phạm vi hiệu dụng 360 độ ở khoảng cách 150m. Kvertuscòn tạo ra một biến thể AD Counter FPV đựng vừa trong một ba-lô đeo lưng với tính năng và kích thước tương tự bản tiêu chuẩn nhưng nặng 8kg vì được lắp pin sạc có thể tháo rời.

* Mỹ cấm bay phi đội V-22 Osprey trên toàn cầu

Quân sự thế giới hôm nay (8-12): Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV mới
Trực thăng V-22 Osprey của quân đội Mỹ. Ảnh: Breaking Defense.

CNNdẫn thông báo của quân đội Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng nước này đã đình chỉ hoạt động toàn bộ phi đội trực thăng V-22 Osprey trên thế giới, sau vụ tai nạn hồi tuần trước ở ngoài khơi Nhật Bản làm 8 quân nhân thiệt mạng.

 

Thông tin điều tra sơ bộ cho thấy có khả năng trục trặc trang thiết bị đã gây ra sự cố vừa qua của chiếc máy bay xấu số ở Nhật Bản, chứ không phải lỗi con người như nhận định ban đầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thức chưa được xác định.

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ dừng bay đối với phi đội V-22 Osprey trong bao lâu. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc đình chỉ bay sẽ duy trì cho tới khi tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn ở Nhật Bản.

Vụ việc mới nhất này đã và đang làm dấy lên những câu hỏi mới về sự an toàn của dòng V-22 Osprey, bởi nhiều tai nạn chết người đã xảy ra trong một thời gian ngắn có liên quan tới loại trực thăng này. Theo tổ chức phi lợi nhuận An toàn bay (FSF) của Mỹ, ít nhất 50 binh sĩ đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn khi vận hành hoặc thử nghiệm máy bay, trong đó có 20 người chết trong 4 vụ tai nạn trong 20 tháng qua.

V-22 Osprey sở hữu thiết kế “lưỡng thể” độc đáo khi có khả năng cất hạ cánh như trực thăng, nhưng trong khi bay có thể xoay cánh quạt về phía trước và di chuyển nhanh hơn nhiều - giống như máy bay bình thường.Đây là loại máy bay có thời gian phục vụ tương đối ngắn trong đội bay của quân đội Mỹ. Những chiếc đầu tiên đi vào hoạt động vào năm 2007 sau nhiều thập niên thử nghiệm. Hiện khoảng 400 chiếc trực thăng loại này đã được chuyển giao và chủ yếu được Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ sử dụng.

* Máy bay vận tải A400M có thêm khả năng mới

 

Flight Global cho biết, tập đoàn Airbus tuyên bố máy bay vận tải quân sự hạng nặng Airbus A400M có thể chuyển đổi dễ dàng thành máy bay chữa cháy khi cần thiết.

Quân sự thế giới hôm nay (8-12): Ukraine giới thiệu nhiều thiết bị chống UAV mới
Máy bay vận tải A400M thử nghiệm rải hóa chất dập lửa. Ảnh: Airbus Defence & Space.

Trong cuộc thử nghiệm diễn ra ở Tây Ban Nha, Airbus phối hợp với Phi đội chữa cháy số 43 của không quân Tây Ban Nha tích hợp một bộ dụng cụ có thể tháo rời, tương thích cho máy bay rồi thực hiện 6 lần cất cánh, mỗi lần mang 20.000 lít nước và hóa chất dập lửa. Bộ dụng cụ này được cải tiến hơn so với một nguyên mẫu từng được thử nghiệm vào năm ngoái.

Về cơ chế hoạt động, nước hoặc hóa chất dập lửa được lưu trữ trong một thùng đặt trong khoang chứa hàng của máy bay. Khi đến điểm đã định, máy bay mở cửa 1 cánh cửa phía đuôi và nước hoặc hóa chất dập lửa chảy ra qua một ống xả rồi đi ra ngoài theo đường cửa trên. Sau đó, máy bay về đổ đầy nước hoặc hóa chất dập lửa trong vòng chưa tới 10 phút nhờ sử dụng máy bơm cao áp.

Clip ngắn giới thiệu về máy bay vận tải A400M. Nguồn: Discovery Canada.

A400M được hãng Airbus thiết kế để đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia châu Âu về một loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng ưu việt. Với 4 động cơ phản lực cánh quạt, máy bay có trọng tải tối đa lên tới 37 tấn, dùng để chuyên chở hàng hóa khổ lớn gồm trực thăng hay xe bọc thép trên quãng đường 3.300km, có khả năng cất và hạ cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh xuống những khu vực địa hình hiểm trở, nơi xảy ra chiến sự hoặc có thảm họa thiên tai. Hiện nhiều nước như Anh, Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ... đã đặt mua tổng cộng 174 chiếc A400M, trong đó 121 chiếc đã đến tay khách hàng.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm