Quốc tế

Trả đũa Mỹ, Trung Quốc thổi bùng căng thẳng cuộc chiến thương mại

Việc Trung Quốc tuyên bố áp thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ để đáp trả các động thái tương tự của Washington khiến cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng thêm căng thẳng và khó tìm ra lối thoát.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ bội tín, đòi trả lại tàu ngay lập tức / Không quân Lào nhận tiêm kích J-10C tối tân đầu tiên từ Trung Quốc?

Trả đũa Mỹ, Trung Quốc thổi bùng căng thẳng cuộc chiến thương mại - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tăng nhiệt hôm 13/5 sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng công bố chi tiết kế hoạch áp thuế với gần như mọi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ từ giầy dép, máy tính, quần áo cho tới túi xách.

Căng thẳng leo thang đã đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới quay trở lại trạng thái đối đầu. Mặc dù Tổng thống Trump hôm qua nói rằng ông sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng tới tại Nhật Bản, song căng thẳng vẫn không dừng lại khi ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đăng đàn chỉ trích và đe dọa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh nổi đóa và quyết định trả đũa các doanh nghiệp Mỹ.

Thị trường tài chính thế giới hôm qua chao đảo sau khi Trung Quốc công bố chi tiết kế hoạch tăng thuế với hàng hóa Mỹ. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 2,4% trong ngày hôm qua và hơn 4% trong tháng này. Cổ phiếu của các công ty phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc như Apple hay Boeing đều sụt giảm.

Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ tăng thuế đối với hàng loạt hàng hóa Mỹ, từ 10% lên 20-25%. Mức tăng này sẽ ảnh hưởng tới gần 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ để trả đũa cho đợt áp thuế trước đó của Tổng thống Trump, bao gồm các mặt hàng như bia, rượu, đồ bơi, áo và khí tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Động thái trên của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Tổng thống Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc với mức tăng lên tới 25%. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn dọa sẽ tiếp tục áp thuế với toàn bộ số hàng còn lại mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hôm qua đã công bố danh sách gần 300 tỷ USD hàng hóa có khả năng bị áp thuế 25% và lấy ý kiến của công chúng. Danh sách này bao gồm gần như tất cả các sản phẩm tiêu dùng.

Sự tự tin của Mỹ

Dường như hứng thú với cuộc chiến thương mại mới, Tổng thống Trump cho biết cách tiếp cận của ông rốt cuộc sẽ rút các hoạt động kinh doanh khỏi Trung Quốc khi các công ty chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ hoặc các nước khác không bị Mỹ áp thuế. Ông Trump coi nhẹ đòn trả đũa của Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế Mỹ ở vị trí mạnh hơn nhiều so với nền kinh tế Trung Quốc và dễ dàng thích nghi với cuộc chiến thương mại, bất chấp lời cảnh báo của cố vấn kinh tế cấp cao rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại này.

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ có các biện pháp để xoa dịu những tổn thương mà người nông dân Mỹ phải gánh chịu do lệnh áp thuế của Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho những đối tượng bị thiệt hại bởi đòn đáp trả của Bắc Kinh.

“Chúng ta sẽ có một năm mua lại nông sản của nông dân lớn nhất, hơn cả mức Trung Quốc từng chi để mua hàng hóa của nông dân Mỹ, tức là khoảng 15 tỷ USD… Nông dân của chúng ta sẽ rất hạnh phúc. Các nhà sản xuất cũng rất hạnh phúc và chính phủ của chúng ta cũng rất hạnh phúc vì chúng ta lấy về hàng chục tỷ USD. Tôi nghĩ mọi việc diễn ra rất thuận lợi”, Tổng thống Trump tuyên bố.

 

Khó có thể lạc quan

Trả đũa Mỹ, Trung Quốc thổi bùng căng thẳng cuộc chiến thương mại - 2

Hàng nhập khẩu Mỹ được bán trong siêu thị tại Thượng Hải. (Ảnh: Reuters)

Tuy vậy, các nhà kinh tế và các nhóm công nghiệp không lạc quan như Tổng thống Trump.

“Giỏ mua hàng của người Mỹ sẽ đắt đỏ hơn”, Hun Quach, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ Mỹ (RILA), nhận định.

Rick Helfenbein, chủ tịch Hiệp hội Giày dép và May mặc Mỹ, gọi biện pháp áp thuế là cách Mỹ tự làm tổn thương chính mình và cảnh báo tình trạng này có thể biến thành “thảm họa”. Mặc dù giày dép và quần áo phần lớn không nằm trong hai đợt áp thuế đầu tiên của Tổng thống Trump, nhưng những mặt hàng này có thể sẽ bị áp thuế nếu ông Trump quyết tâm thực hiện lời đe dọa áp thuế với toàn bộ 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

 

“Bằng cách siết chặt sợi dây thòng lọng và đưa nhiều mặt hàng tiêu dùng vào cuộc chiến thương mại, tổng thống cho thấy rằng ông không hề quan tâm tới hậu quả của việc tăng thuế đối với các gia đình Mỹ, đồng thời đe dọa hàng triệu việc làm của người Mỹ vốn phụ thuộc vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Helfenbein nhận định.

Cả Trung Quốc và Mỹ đều để ngỏ cánh cửa cho các nhà đàm phán nhằm tìm cách đạt được một thỏa thuận trước khi đợt áp thuế mới nhất có hiệu lực. Trung Quốc tạm trì hoãn việc tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ cho tới ngày 1/6, trong khi mức thuế 25% của Tổng thống Trump sẽ chỉ áp dụng đối với các sản phẩm được đưa vào Mỹ từ ngày 10/5.

Tuy vậy, cả hai nước chưa thể giải quyết nhanh chóng cuộc chiến kinh tế căng thẳng. Những nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần như sụp đổ trong 2 tuần qua sau khi các nhà đàm phán Mỹ cáo buộc Trung Quốc nuốt lời và rút lại nhiều điểm mà nước này đã cam kết trước đó trong thỏa thuận sơ bộ. Hai nước vẫn còn nhiều bất đồng về việc làm thế nào để giảm bớt thuế quan áp đặt lên hàng hóa của nhau và liệu các điều khoản được đàm phán có phù hợp với luật pháp Trung Quốc hay không.

Tương lai khó đoán

Mặc dù Trung Quốc bị hạn chế trong việc áp thuế với hàng hóa Mỹ vì số hàng Trung Quốc nhập khẩu ít hơn nhiều so với số hàng Mỹ bán ra, song Bắc Kinh vẫn có nhiều cách để trả đũa Washington.

 

Hu Xijin, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu, một ấn phẩm của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 13/5 đã bình luận trên Twitter rằng, Trung Quốc có thể dừng mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ cũng như máy bay Boeing, đồng thời tạo rào cản cho các dịch vụ của Mỹ tại Trung Quốc. Ông Hu cũng dẫn lời các học giả Trung Quốc cho biết nước này có thể bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ.

“Chúng ta chắc chắn rất lo lắng về việc Trung Quốc sẽ đáp trả như thế nào và liệu họ có bắt đầu nhắm mục tiêu tới các công ty Mỹ tại Trung Quốc hay không. Tôi chắc chắn không thể lạc quan được”, Rufus Yerxa, chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ, nhận định.

Khi các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc, các nhà kinh tế cảnh báo rằng người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm nhận thấy tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại của ông Trump, nhất là khi Mỹ áp thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù các nhà kinh tế đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về mức độ suy giảm của nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc do tác động của việc áp thuế, song hầu hết đều nhất trí rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận giá cả cao hơn khi hàng hóa bị áp thuế.

Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, ngày 12/5 thừa nhận rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu hậu quả của việc áp thuế thương mại. Tuy nhiên, ông Kudlow khẳng định Mỹ rốt cuộc sẽ được hưởng lợi nếu cuộc chiến thương mại buộc Trung Quốc phải đối đãi tốt hơn với các doanh nghiệp Mỹ so với trước đây.

Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm