Trực thăng MH-60R Ấn Độ mua của Mỹ khủng đến mức nào?
Cuộc đụng độ đầu tiên sau hiệp định đình chiến ở Karabakh / UAE dọa mua Su-57 nếu Mỹ từ chối bán F-35 và MQ-9
Tháng 8/2018, chủ trương mua máy bay trực thăng đa chức năng đã được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó phê duyệt. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump tới Ấn Độ ngày 19/2/2020, thương vụ mua 24 máy bay trực thăng Sikorsky MH-60R Seahawk (“Diều hâu biển”) từ tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) đã được giải quyết ổn thỏa. 24 chiếc MH-60R trị giá 905 triệu USD sẽ được mua trực tiếp từ Mỹ và không thuộc chính sách đối tác chiến lược của Bộ Quốc phòng, nằm trong gói mua sắm vũ khí, thiết bị trị giá 2,6 tỷ USD, và Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn thuận vào tháng 4/2019.
Hải quân Ấn Độ sắp nhận máy bay trực thăng đa năng Sikorsky MH-60R - điều sẽ thúc đẩy lực lượng này mở rộng vai trò của mình ở khu vực Ấn Độ Dương. Các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều tin và ảnh về máy bay mà Ấn Độ sắp sở hữu này. Thay thế các máy bay trực thăng Sea King cũ kỹ do Anh sản xuất, có trong trang bị từ tháng 7/1971, MH-60R sẽ được triển khai trên các tàu chiến và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các mối đe dọa từ cảu hải quân các nước thù địch ở Ấn Độ Dương.
Trực thăng đa nhiệm Sikorsky MH-60R Seahawk còn được gọi là “Romeo”, theo cách phát âm bảng chữ cái phiên âm quân sự biến thể “R” của nó (còn được biết đến với tên gọi "Gói nâng cấp LAMPS Mark III Block II") được bắt đầu thực hiện vào năm 1993 dựa trên phiên bản SH-60B Seahawk và chính thức đi vào biên chế năm 2009. Đây là phiên bản hải quân mới nhất của dòng máy bay trực thăng có nguồn gốc từ chiếc Sikorsky Black Hawk, được Lockheed Martin-Sikorsky phát triển để thay thế trực thăng Sikorsky SH-60B và SH-60F (hiện đang đóng vai trò xương sống của lực lượng trực thăng vận tải chiến thuật, được coi là loại trực thăng hải quân có khả năng nhất hiện nay) của Hải quân Mỹ.
Thiết kế của Sikorsky MH-60R Seahawk kết hợp tinh hoa của các trực thăng săn ngầm SH-60B, SH-60F và nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, cho phép đảm nhiệm nhiệm vụ đa dạng hơn bên cạnh khả năng chống ngầm (anti-submarine warfare - ASW, được mệnh danh là “thợ săn ngầm”). MH-60R còn có thể đảm nhận nhiệm vụ chống tàu mặt nước (anti-surface warfare - ASuW), chi viện hỏa lực, tìm kiếm cứu nạn (search-and-rescue - SAR), hỗ trợ hậu cần…
MH-60R được trang bị 2 động cơ turboshaft General Electric T700-GE-401C công suất 1.890 mã lực/động cơ; có tốc độ tối đa 270km/h, tầm hoạt động 834km, trần bay 3,5km, kíp bay 3-4 thành viên. Để tăng phạm vi hoạt động, người ta trang bị thêm cho MH-60 thiết bị để tiếp nhiên liệu trên không. Trực thăng đa năng này có khả năng chịu được hỏa lực nhỏ và đạn nổ cỡ trung bình; bình xăng được bọc giáp đề phòng bị bắn thủng.
Thợ săn ngầm” MH-60R được trang bị cảm biến tìm dò và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại (FLIR), radar khẩu độ tổng hợp có khả năng phát hiện các mục tiêu nhỏ trên mặt nước, cảm biến dò tìm và phát hiện tàu ngầm. Khi trinh sát, MH-60R thả hệ thống định vị thủy âm AN/AQS-22 xuống nước bằng dây cáp, phát tín hiệu siêu âm để dò tìm tàu ngầm đối phương; hoặc thả xuống nước phao định vị thủy âm phát sóng dò tìm tàu ngầm và gửi tín hiệu thu được về tàu thông qua liên lạc vệ tinh.
MH-60R Hải quân Mỹ có thể được trang bị một loạt vũ khí bao gồm tên lửa, ngư lôi và súng máy… Nhờ được trang bị 4 tên lửa AGM-114 Hellfire, dòng trực thăng này có khả năng tác chiến chống mục tiêu mặt nước hoặc mặt đất. Nhà sản xuất đang kết hợp với Hải quân Mỹ để nâng số lượng tên lửa Hellfire mà trực thăng có thể mang theo lên 8 quả. Được trang bị 3 ngư lôi 324mm Mk50 hoặc Mk46, MH-60R có thể tiêu diệt tàu chiến, tàu ngầm đối phương, và có súng máy 7,62mm để tự vệ.
Tập đoàn Raytheon Missile Systems đang cùng công ty Kongsberg Defence & Aerospace (Na Uy) tích hợp tên lửa hành trình dẫn đường chính xác cao NSM (Naval Strike Missile) lên trực thăng săn ngầm MH-60R của Hải quân Mỹ. Các tên lửa chống hạm này được Kongsberg Defense & Aerospace phát triển và được trang bị cho quân đội Na Uy từ năm 2007, đã được xuất khẩu sang Ba Lan và Malaysia. NSM là tên lửa cận âm, có trọng lượng 410kg, dài 3,95m, lắp đầu đạn nổ phá mảnh nặng 125kg, được trang bị hai động cơ gồm động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ tuốc bin phản lực TRI 40.
Tên lửa diệt hạm thế hệ thứ 5 này được chế tạo từ vật liệu tổng hợp có khả năng hấp thụ sóng radar, có 4 cánh điều hướng để ổn định khi bay, được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, bản đồ số qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, đầu dẫn hồng ngoại... đảm bảo độ chính xác cao kể cả trong môi trường bị gây nhiễu. NSM là tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị đầu dò hồng ngoại cùng camera chuyên dụng có khả năng phân biệt và nhận dạng được từng hình dáng của những tàu chiến riêng lẻ.
MH-60 Romeo là phiên bản kế thừa và nâng cao của Seahawk, được đánh giá là trực thăng hạm tàu đa năng tốt nhất thế giới hiện nay, vô cùng tin cậy khi cất hạ cánh trên sàn tàu ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh chức năng săn ngầm truyền thống, MH-60R còn đảm nhiệm tốt cả vai trò tác chiến chống tàu mặt nước và yểm trợ hỏa lực cho thủy quân lục chiến… Nó có thể mang cùng lúc cả phao định vị thủy âm, thiết bị trinh sát quang điện tử và radar trinh sát biển để dẫn bắn cho vũ khí, tên lửa chống hạm AGM-119 Penguin cũng như rocket có điều khiển APKWS.
Tính năng kết hợp của MH-60R không một trực thăng nào của Nga có được, khi chúng chỉ có thể làm nhiệm vụ chống ngầm (Ka-27) hay chống hạm (Ka-52) chuyên biệt. Điểm yếu lớn nhất của trực thăng MH-60 nằm ở tên lửa chống hạm mà nó mang theo là AGM-119 Penguin với tầm bắn 30km, uy lực yếu hơn so với Kh-35 Uran của “Cá sấu” Ka-52K, nhưng với tên lửa NSM thì mọi vấn đề sẽ được khắc phục.
Với việc được trang bị NSM, MH-60R được cho là khá linh động trong triển khai và chiến đấu, có khả năng đánh chìm tàu chiến ở khoảng cách đến 180km - điều chưa có trực thăng nào trên thế giới làm được. Trước đây, các trực thăng Mỹ chỉ mang theo những tên lửa hạng nhẹ đáp ứng nhu cầu săn ngầm, việc tích hợp NSM sẽ biến dòng trực thăng MH-60R thành sát thủ toàn năng trên đại dương và không loại trừ Hải quân Ấn Độ cũng sẽ làm điều đó. Cho đến nay, Romeo Seahawk đã được xuất khẩu cho 14 quốc gia trên thế giới ngoài Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo