Sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang khó đủ bề
“Vàng” mắt chờ vốn
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất - kinh doanh nữ trang là ngành nghề truyền thống của thành phố, chiếm lĩnh thị trường nội địa và cả xuất khẩu ra thế giới. Đây là ngành mang lại hiệu quả lớn và nhiều công ăn việc làm cho người lao động.
Thế nhưng, theo thống kê của Hiệp hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh, hơn 70% trong gần 3.500 DN kinh doanh vàng và nữ trang của TP Hồ Chí Minh đang lâm vào bế tắc, thậm chí phải ngưng hoạt động do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33/2011/TT - NHNN. Cụ thể, tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ. Tuy vậy, trong thời gian qua các DN nữ trang vẫn chưa được phép vay tiền để mua vàng nguyên liệu.
Theo một lãnh đạo NHNN, rào cản này sắp được dỡ bỏ để tạo điều kiện cho DN nữ trang tiếp cận với vốn ngân hàng. Thế nhưng, điều kiện bắt buộc là công ty nữ trang phải có giấy tờ đầy đủ về việc mua vàng để sản xuất nữ trang, nhằm tránh trường hợp DN vay tiền mua vàng miếng phục vụ hoạt động kinh doanh, vốn không được khuyến khích.
Trước sự siết chặt này, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều DN phải đối phó bằng cách trả giấy phép kinh doanh vàng và chuyển sang hình thức khác để được vay vốn... Một số DN thì tiếp tục hoạt động cầm chừng nhưng kiêm thêm kinh doanh các mô hình khác để bù mặt bằng đang thuê.
Đại diện DN vàng Thiên Phúc tại chợ Văn Thánh than thở, nguyên nhân do không thể vay vốn nên cùng với đó khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất. Theo đó, DN buộc phải thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi khiến hoạt động kinh doanh bấp bênh. Hiện DN chỉ hoạt động cầm chừng.
Tìm giải pháp tháo gỡ cho DN
Theo định hướng điều hành năm 2014, NHNN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ - CP, tăng cường vai trò điều tiết đối với thị trường vàng, tiếp tục khắc phục tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ các DN trong ngành vàng, năm 2013 vẫn chưa được thực thi. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, nhu cầu vàng nguyên liệu của DN trong nước khoảng trên 10 tấn/năm. Với việc siết chặt quản lý kinh doanh vàng của NHNN, rất nhiều DN thiếu vốn và nguyên liệu để sản xuất kinh doanh. Vì thế Hiệp hội đề xuất 2 phương án đảm bảo nguồn nguyên liệu cho DN sản xuất kinh doanh. Thứ nhất, vẫn làm như bây giờ, Nhà nước quản lý chặt nguồn nguyên liệu và chỉ cấp quota cho một số DN, ưu tiên DN có những hợp đồng xuất khẩu, nhưng phải giám sát, kiểm soát gắt gao. Thứ hai, cho đấu giá nguồn nguyên liệu, với sự tham gia không chỉ những DN lớn mà cả những DN nhỏ.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dưng, NHNN nên nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Thông tư 33 nhằm mở van tín dụng để cho các DN sản xuất kinh doanh vàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tiếp đến là, những DN đủ điều kiện được cấp phép cho sản xuất kinh doanh vàng trang sức, NHNN cũng nên cấp phép cho họ được mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất. Đồng thời, đề nghị NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh nên nhập khẩu vàng nguyên liệu để bán lại cho các DN có đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức; những DN nhỏ có nhu cầu mua 3 kg, 5 kg thì đến NHNN để mua nhằm tránh tình trạng mua phải vàng không kiểm soát.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, qua cuộc khảo sát các đơn vị thành viên trong Hiệp hội cũng như một số DN lớn khác gồm PNJ, SJC và VJC... , nhu cầu về vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ rất lớn. Vì thế, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã gửi kiến nghị lên NHNN để xem xét tháo gỡ cho các DN. Bởi nếu không tháo gỡ kịp thời nguồn vàng nguyên liệu, sẽ dễ tạo cơ hội cho vàng nhập lậu bùng phát.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được chủ động, xem xét việc cho các DN trong ngành này vay vốn để mua vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất và xuất khẩu, góp phần phát triển thị trường vàng nữ trang. Bởi với thuế suất nhập khẩu nguyên liệu vàng 0%, các DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, qua đó có thể kéo giảm giá thành sản phẩm đi xuống.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp mặt tổng kết các ngân hàng cuối năm vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, rất khó có thể xác định được việc nhập vàng nguyên liệu của DN trong lĩnh vực nữ trang là để sản xuất nữ trang hay là tái xuất vàng dưới dạng nữ trang biến tấu. Mặt khác, thị trường vàng vẫn tồn tại sự mất cân đối nhất định và chừng nào thị trường còn mất cân đối, thì NHNN vẫn tiếp tục bán vàng thông qua đấu thầu. Vì thế, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không thể chấp nhận việc cho các DN sản xuất, kinh doanh nữ trang nhập vàng nguyên liệu, sau đó khi có cơ hội tái xuất và kiếm lời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)