Sắp trình Chính phủ Nghị định chấn chỉnh bán hàng đa cấp
Theo Bộ Công Thương, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong năm 2016 cho thấy còn một số khó khăn, tồn tại.
Cụ thể, vẫn tồn tại hoạt động bán hàng đa cấp không đăng ký: Năm 2016, Cục QLCT và các Sở Công Thương đã phát hiện và xử phạt 17 tổ chức, cá nhân bán hàng theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp Giấy chứng nhận, với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.
Sử dụng mô hình đa cấp trong những lĩnh vực đã bị pháp luật nghiêm cấm: Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã cấm sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm không phải là hàng hóa nhưng trong năm 2016, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức này để huy động tài chính, mời gọi đầu tư hay để tiếp thị các sản phẩm vô hình như tiền ảo. Đây không phải là hoạt động bán hàng đa cấp như quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, do đó, không thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công Thương.
Mặc dù, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo về các hành vi trái pháp luật này nhưng tình trạng huy động tài chính theo phương thức đa cấp vẫn tồn tại dai dẳng, gây bức xúc lớn trong xã hội. Để có cơ sở xử lý các hành vi đa cấp trái phép, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi).
Bên cạnh đó, nhận thức hạn chế của người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp: Thực tiễn quản lý cho thấy trong nhiều vụ việc, thiệt hại phát sinh chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết của người tham gia bán hàng đa cấp. Gần như tất cả các đơn khiếu nại mà Cục Quản lý cạnh trạnh nhận được đều từ những người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp nhưng không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hy vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao. Đặc biệt, 100% các thỏa thuận về lợi nhuận đều là thỏa thuận bằng lời, không được ghi lại thành văn bản nên khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng hoàn toàn không có chứng cứ để xử lý.
Trước những khó khăn, tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, trong năm 2017 Bộ Công Thương sẽ tập trung duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm: Hiệu quả của việc duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đã được thể hiện rõ trong năm 2016. Do đó, trong năm 2017, các cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì các hoạt động này, đặc biệt là ở các địa phương.
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: Trong quý 2/2017, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp theo đúng kế hoạch.
Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật: Thiệt hại của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đa số các trường hợp, là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của chính người tham gia. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến về hoạt động bán hàng đa cấp cũng như các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cần được tiếp tục chú trọng trong năm 2017. Một khi nhận thức của người dân được nâng cao, môi trường hoạt động và cơ hội trục lợi của các đối tượng bất chính sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong năm qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã kết thúc điều tra và xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỷ đồng.
Riêng về công tác kiểm tra, trong năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập với sự tham gia của đại diện Bộ Công an đã tiến hành kiểm tra hoạt động của 6 doanh nghiệp. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục này đã ra quyết định điều tra đối với 6 doanh nghiệp; ra quyết định xử lý 5 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 554 triệu đồng, đồng thời thu hồi giấy chứng nhận của 3 doanh nghiệp; tiếp tục tiến hành điều tra 1 doanh nghiệp.
Điểm mới trong năm 2016 đó là hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm năm 2016 ở các địa phương được thực hiện với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan nên hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm đã được nâng cao rõ rệt. Tổng số tiền phạt lên tới 6,5 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2015.
Doanh nghiệp bị chính quyền địa phương xử phạt nhiều nhất là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy với mức tiền phạt hơn 1,5 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Cổ phần Liên Minh Tiêu Dùng Việt Nam (hơn 600 triệu đồng), Công ty Cổ phần Everrichs (537 triệu đồng), Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam (430 triệu đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam (420 triệu đồng).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam