Sau tháng 4 mới có giá sàn cho cước di động
Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đồng ý cho VNPT lùi thời hạn báo cáo giá thành dịch vụ cước viễn thông thêm một tháng, cũng tức là thị trường phải đợi đến sau tháng 4 mới có được mức giá sàn quy định cho cước các dịch vụ như 3G.
Quyết định này được đưa ra sau khi Tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng của VNPT cho biết hết ngày 31/3, Tập đoàn mới quyết toán xong và đầu quý II mới có thể báo cáo giá thành lên cơ quan quản lý.
Giá thành cung cấp dịch vụ là một cơ sở rất quan trọng để cơ quan quản lý xây dựng mức giá sàn dịch vụ cho thị trường, bởi theo quy định, giá sàn không được phép thấp hơn giá thành. Theo các chuyên gia, giá sàn là công cụ hữu hiệu để kiểm soát và điều tiết thị trường, ngăn chặn tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau.
Trên thực tế, ngay từ năm 2013, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải tính toán và báo cáo giá thành, tuy nhiên, do đặc thù nhiều Tập đoàn như VNPT, Viettel kinh doanh đa ngành, có nhiều đơn vị hạch toán phụ thuộc nên việc bóc tách chi phí gặp nhiều khó khăn.
Chính vì việc chưa có giá thành cung cấp cước dịch vụ làm cơ sở tham khảo nên đợt tăng giá cước 3G "cùng thời điểm" của ba mạng lớn MobiFone, Vinaphone và Viettel hồi tháng 10/2013 đã gây nhiều phản ứng, hoài nghi trong dư luận về việc có hay không sự bắt tay giữa ba doanh nghiệp này.
Thậm chí nhiều ý kiến đã đặt ra câu hỏi, phải chăng thị trường viễn thông đang quay lại giai đoạn độc quyền?
Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hùng giải thích rằng, do ngay từ đầu, giá cước 3G đã không được quản lý tốt nên doanh nghiệp đua nhau giảm cước tràn lan để hút khách. Mục tiêu số một khi đó dường như là mở rộng khách hàng càng đông càng tốt. "Đến lúc phát hiện ra lỗ thì các mạng lại hô nhau tăng cước lên và gây nên phản ứng quyết liệt từ dư luận".
Để tránh tình trạng này lặp lại, Tổng Giám đốc VNPT kiến nghị Nhà nước cần có chính sách kiểm soát giá sàn, rà soát lại giá thành dịch vụ để chống phá giá.
"Nếu giá sàn được sử dụng để điều tiết thị trường hiệu quả thì không chỉ người tiêu dùng được lợi mà doanh nghiệp viễn thông cũng không lo bị phá giá, cạnh tranh không lành mạnh nữa. Chỉ khi đó thị trường mới phát triển ổn định, bền vững được", ông Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ giá cước 3G mà dịch vụ băng rộng cố định cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự. Theo ông Hùng thì thị trường này cũng đang rất cần chính sách quản lý bởi "đua nhau giảm giá rồi quay lại tăng giá là rất mang tiếng".
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng bày tỏ Bộ cơ bản "nhất trí" với đề xuất của doanh nghiệp và khẳng định Bộ sẽ chủ yếu quản lý thị trường thông qua giá sàn và giá trần, trong đó, giá sàn chịu sự quy định của Luật cạnh tranh còn giá trần thuộc quy định của Luật viễn thông.
"Nhưng nếu Bộ không nắm được chi phí giá thành thì không thể quản lý giá cước được. Doanh nghiệp cần báo cáo giá thành sớm nhất có thể, chỉ như vậy thì doanh nghiệp nào phá giá, Bộ mới đối soát và kiểm tra được ngay", Thứ trưởng yêu cầu.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng
Giá heo hơi ngày 27/12/2024: Diễn biến trái chiều với nhiều biến động
Cột tin quảng cáo