Sẽ lấy phiếu tín nhiệm chỉ với hai mức?
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, khả năng sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm là khá chắc chắn. Tuy nhiên sửa theo hướng nào thì chưa có thông tin cụ thể.
Thông tin này vừa được đưa ra tại Báo cáo công việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ bảy vào giữa năm 2014 tại phiên họp sáng 23/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến kỳ họp này sẽ bố trí một ngày cho việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, khả năng sẽ sửa quy định về lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng có thể sửa nếu thấy cần thiết, tuy nhiên sửa theo hướng nào thì vẫn chưa có thông tin cụ thể.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 13 việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được tiến hành đối với 47 chức danh. Dù kết quả đã nói lên nhiều điều, song do để ở 3 mức nên có nhiều ý kiến cho rằng như thế là chưa phù hợp.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng: việc quy định các mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” làm tốn thời gian, kinh phí.
“Cử tri không ai chú ý phiếu cao nhất làm gì, người ta chỉ nhớ ai có số phiếu thấp nhất thôi”, ông Phước nói.
Ngoài ra ông cũng đề nghị chỉ nên có hai mức để phân biệt người đủ tín nhiệm hoặc không.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm sau đó cũng được tiến hành tại các địa phương. Trong đó Hà Nội là địa phương đi đầu trong lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên tại buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 9/2013, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, sắp tới đây Hà Nội sẽ tổ chức lấy phiếu chỉ với 2 mức thay vì 3 mức tín nhiệm như hiện nay.
Cử tri Phan Văn Bằng (phường Bạch Mai) cũng đề nghị thẳng: để việc lấy phiếu tín nhiệm tăng thêm hiệu quả đề nghị lá phiếu chỉ nên quy định ở hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.
Cũng trả lời cử tri về việc bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình quan điểm: nên chăng có cách làm phù hợp hơn, trong Đảng cũng lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm, HĐND cũng lấy phiếu tín nhiệm, có địa phương đang định mở rộng hơn...
“Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ bàn bạc chung. Không chỉ Quốc hội mà kể cả bên Đảng cũng phải rút kinh nghiệm sao cho có tác dụng tốt. Có ý kiến cho rằng nếu không cẩn thận trong lấy phiếu tín nhiệm các cơ quan Quốc hội thường phiếu rất cao, bên Chính phủ điều hành xung trận như thế, vất vả, gian khổ như thế thì phiếu thấp. Anh nào càng làm thì phiếu càng thấp, thế thì khuyến khích anh không làm hay sao? Phải tính toán cho kỹ”, Tổng Bí thư nói.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng từng chia sẻ không nên quá ca ngợi việc bỏ phiếu tín nhiệm. Theo ông Thanh, người có hai lần phiếu tín nhiệm thấp thì lúc đó mới xem xét bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm. Chờ đến khi đó thì cán bộ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm cũng vừa hết nhiệm kỳ rồi.
Ông Thanh nêu rõ, ở các nước, họ không làm như cách của mình. Trong quá trình làm, họ thấy anh nào có vấn đề thì họ bắt anh đó điều trần, giải trình, chất vấn công khai rồi bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thôi việc.
“Có người bảo lấy phiếu tín nhiệm là hết nhóm lợi ích, cán bộ sẽ tốt hơn thì chưa chắc. Đừng ca ngợi việc này quá. Đây mới chỉ là bước đầu thôi, cần phải từ từ xem cách đó đã tốt hay chưa. Còn bảo lấy phiếu tín nhiệm là bảo bối rồi thì không phải như vậy”, ông Thanh nói.
Trước nhiều ý kiến như vậy thì việc cân nhắc sửa quy định này để việc bỏ phiếu tín nhiệm được hiệu quả hơn đang là mong đợi của cử tri.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo