“Tôi từng nói đùa với anh Mười bên Vissan, lãi suất cho vay như vậy thì chả khác gì tình cho không biếụ không, vậy mà rất khó giải ngân”, Phó Tổng giám đốc Vietcombank đã kể câu chuyện này như một ví dụ về tình trạng tắc vốn, khó cho vay của ngành ngân hàng.
Mặc dù đã rộng cửa cho các DN lớn có sức khỏe tốt vay vốn, nhưng do sức tiêu thụ yếu, DN không có nhu cầu sử dụng vốn nên ngân hàng khó giải ngân. Trong khi các nhà băng sợ rủi ro cũng ngại rót vốn cho DN nhỏ. Vì thế, áp lực tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận và cổ tức ngày càng gia tăng.
Tín dụng khó tăng
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, 9 tháng đầu năm, huy động vốn của Ngân hàng tăng 10% (riêng ở khu vực TP. HCM chỉ tăng 4%); tín dụng tăng 7% (ACB khu vực TP. HCM mới đạt 4%); nợ xấu 2,98%. Lãi suất huy động bình quân của ACB là 5,74%/năm và lãi suất cho vay bình quân 9,79%/năm. Chênh lệch lãi suất huy động - cho vay là 4,2%. Dư nợ tín dụng tăng chủ yếu từ khách hàng cá nhân với mức tăng 11%, dù chỉ có 1.000 nhân viên tín dụng. Trong khi khối DN có đến 1.500 nhân viên tín dụng bán hàng, nhưng chỉ tăng 2%.
Cũng chung cảnh khó đẩy vốn ra, đặc biệt với khách hàng DN, Tổng giám đốc VietCapital Bank, ông Đỗ Duy Hưng cho hay, Ngân hàng đã cấp hạn mức 2.000 tỷ đồng cho các DN có sức khỏe tốt, song không giải ngân được. “Hơn bao giờ hết, lúc này ngân hàng cần DN hơn DN cần ngân hàng”, ông Hưng nói và cho biết, VietCapital Bank triển khai nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi và hiện có gói sản phẩm cho DN, lãi suất chỉ 7,58 - 8%/năm trong 6 tháng đầu.
Phó tổng giám đốc Eximbank, ông Nguyễn Văn Triết cho biết, đến cuối tháng 9/2014, tổng huy động vốn của Ngân hàng đạt 130.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 81.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả hai tỷ lệ này của Eximbank đều giảm so với đầu năm. Trong khi đó, nợ xấu lại tăng lên 2,86% (2.000 tỷ đồng nợ xấu).
“Eximbank đã dành cho khách hàng có sức khỏe và dự án khả thi hơn 20.000 tỷ đồng tín dụng, nhưng DN không sử dụng nên chưa giải ngân. Cho dù Ngân hàng đã đeo bám khách hàng sát sao, song nhu cầu vốn rất yếu”, ông Triết nói.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Đình Tuệ cho hay, huy động của Ngân hàng 9 tháng đầu năm tăng 17% (164.000 tỷ đồng); cho vay 121.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Tuệ, Sacombank cho vay chủ yếu đối với khách hàng cá nhân (chiếm trên 50% tổng dư nợ).
Nói về tình trạng nghẽn dòng vốn ra từ ngân hàng, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP. HCM, ông Nguyễn Phước Hưng cho rằng, chưa bao giờ DN lại thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay. “Với hàng ngàn phiếu thăm dò nhu cầu vốn vay được phát ra cho DN, Hiệp hội chỉ nhận lại được vài chục phiếu có nhu cầu vay”, ông Hưng nói, nhưng cũng cho biết, để tiếp cận được lãi suất ưu đãi 7 - 8%/năm là không dễ, mà DN thường phải vay ở mức 10 - 11%/năm.
Mặc dù không gặp khó khăn gì trong vay vốn, nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nhận định, sức mua sụt giảm nên đa số DN ngại vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Điều này cũng được bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Vietcombank, kiêm Giám đốc Chi nhánh TP. HCM xác nhận, dù Ngân hàng đã cấp hạn mức tín dụng 200 tỷ đồng cho Vissan với lãi suất ưu đãi, nhưng DN không sử dụng hết.
“Tôi từng nói đùa với anh Mười bên Vissan, lãi suất cho vay như vậy thì chả khác gì tình cho không biếụ không, vậy mà rất khó giải ngân”, bà Nga nói.
Trong khi tín dụng khó tăng thì nợ xấu của ngân hàng cũng không dừng lại, đòi hỏi dự phòng gia tăng, kể cả khi nợ xấu đã được bán cho VAMC khiến lợi nhuận thu hẹp dần. Vì thế, dù magrin trong tăng trưởng tín dụng 3,5 - 4% được cho là cao, nhưng lãnh đạo các NHTM vẫn kêu tỷ lệ trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt ở mức 20% là quá lớn.
Áp lực dự phòng lớn
Ông Đỗ Duy Hưng cho biết, nợ xấu của VietCapital Bank đến cuối tháng 9/2014 khoảng 3,61%. Ngân hàng cũng đã xúc tiến bán nợ xấu cho VAMC, nhưng do định chế này chỉ mua các khoản nợ trên 1,5 tỷ đồng nên khó bán được nhiều, dù sau khi bán, ngân hàng vẫn phải trích dự phòng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Triết, năm 2013, Eximbank đã bán 2.155 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, 9 tháng đầu năm nay bán thêm 1.000 tỷ đồng và dự kiến từ nay đến cuối năm bán tiếp 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo Eximbank kiến nghị được hỗ trợ thêm cơ chế xử lý nhanh để kịp đưa đồng vốn vào thị trường. Đồng thời, Eximbank cũng đề xuất giảm tỷ lệ trích dự phòng cho trái phiếu đặc biệt từ 20% xuống còn 8 - 10%, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Eximbank nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung có điều kiện xử lý cơ bản vấn đề nợ xấu trong năm 2014.
Mặc dù, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát từ 1,5 - 1,7% tùy thời điểm, nhưng Sacombank vẫn tích cực rà soát để bán tiếp cho VAMC. Năm 2013, ngân hàng này đã bán nợ khoảng 1.000 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục bán 700 - 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Vì thế, theo ông Phan Đình Tuệ, nên cho phép được trích dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt nhận lại là 10%, thay vì 20%, nhằm tạo đột biến trong cân đối tài chính của các tổ chức tín dụng. Lý do, VAMC chỉ mua các khoản nợ xấu, nhưng có tài sản đảm bảo và phải trích tiếp dự phòng, trong khi trước đây đã trích rồi.
Tại DongA Bank, nợ xấu gia tăng đáng kể trong 9 tháng đầu năm. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, nợ xấu đến cuối tháng 9/2014 là 6,8%, trong khi dư nợ chỉ tăng 6,5%. Vì thế, Ngân hàng chủ yếu tập trung xử lý nợ xấu và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khối khách hàng cá nhân, tín dụng khu vực nông nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, DongA Bank đã bán 1.887 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và sẽ còn bán tiếp. Tuy nhiên, DongA Bank chưa có nhu cầu sử dụng trái phiếu nhận lại để tái cấp vốn nên lãnh đạo nhà băng này cũng có ý kiến đề nghị giảm dự phòng.
Phó tổng giám đốc OCB, ông Đinh Đức Quang cũng cho rằng, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng chưa có nhu cầu sử dụng trái phiếu VAMC phát hành để thế chấp vay lại NHNN, vì thanh khoản tốt. Do đó, theo ông Quang, cần giảm dự phòng.
Một khó khăn khác trong quá trình xử lý nợ xấu được lãnh đạo Vietinbank cho biết, đó chính là khâu xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù trong hợp đồng cho vay đã có cam kết, nhưng khi khoản vay rơi vào nợ xấu, ngân hàng không thể đơn phương phát mãi tài sản.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng TP. HCM trong năm 2014 vẫn không thay đổi với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14%. Chín tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn tăng 4,7% và tín dụng tăng 6,05% so với đầu năm. Còn tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 8 là 6,1% (tương đương 60.900 tỷ đồng) so với tỷ lệ nợ xấu đầu năm là 4,98% (tương đương 44.700 tỷ đồng). Trong đó, các công ty tài chính và cho thuê tài chính có nợ xấu cao nhất. Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh, theo ông Minh, là do từ ngày 1/6/2014, các NHTM phải thực hiện các quy định tại Thông tư 09 về phân nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Theo Đầu Tư