Thị trường

Tái cấu trúc hay chấp nhận phá sản?

(DNHN) - Tái cấu trúc để tự cứu mình, hay chấp nhận phá sản?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Đại biểu Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa chia sẻ vấn đề này với Doanh nghiệp và Hội nhập

Theo Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm: Cần dùng cơ chế chính sách để điều hành thị trường vàng, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Đã gọi là

liên thông, thì lúc thiếu phải cho nhập, lúc thừa phải cho xuất ra, tạo thành “bình thông đáy” giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.  



Xin ông đánh giá những khó khăn và thuận lợi của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung? 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm:

Trong thời gian qua, sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển rất nhanh, từ 30.000 lên tới 500.000 doanh nghiệp.

 

Do phát triển quá nhanh trong điều kiện lạm phát cao ở Việt Nam và suy thoái kinh tế thế giới nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. 

 

 Thứ nhất là vốn tự có rất ít, chưa huy động được nguồn lực xã hội, như phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Vốn vay ngân hàng lại rất hạn chế, bởi vì các doanh nghiệp này phần lớn vừa mới thành lập nên khó đáp ứng được những điều kiện tín dụng của các ngân hàng thương mại, như tài sản thế chấp, mấy năm phải lãi liên tục, không nợ thuế…

 

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đang phải thắt chặt tín dụng để thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 30-40%/năm, nhưng trong năm nay chỉ khoảng 10-15%/năm.  

 

Thứ hai, do phát triển “nóng” như vậy, doanh nghiệp không có điều kiện tuyển dụng và được đào tạo lĩ lực lượng lao động, mà chủ yếu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo ở các khu vực nông thôn, thành thị.

 

Nếu có đào tạo thì cũng chỉ đào tạo cấp tốc những lao động phổ thông trong thời gian ngắn khoảng hai đến ba tháng.

 

Những lao động có trình độ chuyên môn cao không nhiều, những cán bộ quản lí có trình độ rất hạn chế, chủ yếu xuất thân từ những lao động phổ thông, công nhân. 

 

Thứ ba, phần lớn công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp là thủ công, nếu doanh nghiệp có điều kiện áp dụng công nghệ mới, công nghệ có tính chất cơ khí, thì cũng chỉ ở thế hệ 2,3,4,5, còn thế hệ “đầu đàn” thì không có. 

 

Thứ tư, do thiếu am hiểu về luật lệ, cơ chế chính sách, thương trường, văn hóa ứng xử, đặc biệt là thị trường quốc tế, nên khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp là rất khó khăn.  

 

Đó là bốn khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, những khó khăn này càng được nhân lên trong điều kiện lạm phát, chi phí cao, lãi suất cao. 



Trong điều kiện thắt chặt tín dụng như hiện nay, thì khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là vốn vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào? Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tự cứu mình như thế nào? 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm:

Bình thường, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đã khó, nhưng trong điều kiện lạo phát cao, khả năng này càng khó hơn, bởi vì lãi suất đã tăng lên gấp đôi, trước đây chỉ 10% nhưng nay lên gần 20%, hạn mức tín dụng lại phải cắt giảm một nửa, trước đây 38%, bây giờ chỉ còn 15-17%.

 

Hiện nay doanh nghiệp chỉ tiếp cận được khoảng 20% vốn vay ngân hàng so với trước đây. Vì vậy, doanh nghiệp chủ yếu cố cầm cự để duy trì hoạt động. 



Việc hạ lãi suất cho vay xuống mức 17-19% như hiện nay, theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tiếp cận đến mức nào, đặc biệt là vốn ngắn và trung hạn? Theo ông, nên điểu chỉnh lãi suất cho vay ở mức nào là phù hợp để bảo đảm lợi ích cho cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng thương mại?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm:

Lãi suất 17-19% chỉ là hướng phấn đấu, chủ yếu ưu tiên cho ba lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu và tiêu dùng. Vừa qua, nguồn vốn ưu đãi này mới chỉ dành nhiều cho hoạt động xuất khẩu.

 

Hiện nay, các ngân hàng thương mại chỉ huy động được nguồn vốn ngắn hạn khoảng hai đến ba tháng.

 

Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng thương mại đã là “phúc” rồi, còn vốn trung và dài hạn gần như chưa. 

 

Trên thực tế, vốn ngân hàng dành cho doanh nghiệp Nhà nước và các tập đoàn lớn chiếm khoảng 70%, còn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ còn 30%.

 

Trong khi đó, đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 51%, làm ra của cải cho xã hội là 40% và đóng thuế 20%.

 

Như vậy là rất mâu thuẫn, gây bất lợi và không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn nữa chưa khai thác được tiềm năng và thế mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Vì vậy, lãi suất 17-19% là có, nhưng thực tế không đáng kể. 

 

Nguyên tắc để lãi suất hoạt động được là phải thực dương đối với cả ngân hàng thương mại và người gửi tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát cao như hiện nay, khó có thể áp dụng mức lãi suất thực dương.

 

Trong bốn tháng gần đây, lạm phát đang được kìm chế ở mức bình quân khoảng 0,6-0,7%/tháng, phấn đấu để lạm phát cả năm khoảng dưới 18%.

 

Sang năm 2012, Chính phủ có chủ trương phấn đấu đưa lạm phát xuống dưới 10%. Nếu lạm phát được khống chế ở mức 10-12%, thì lãi suất huy động khoảng 12% và lãi suất cho vay khoảng 1-15% là hợp lí. 



Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có mục tiêu, chiến lược hoạt động như thế nào để phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện áp lực lạm phát tăng cao và thắt chặt chính sách tiền tệ? 

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm:

Đây là thời cơ và cũng là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước hai ngả đường, một là phải tái cấu trúc để tự cứu mình, hai là bị phá sản hàng loạt.  

 

Trước mắt, doanh nghiệp phải tự đáng giá lại mình, mặt nào mình sở trường thì cần phát huy, mặt nào sở đoản, không thích hợp với cơ chế hiện nay thì cần khắc phục, thậm chí phải giảm chi phí, “co” sản xuất lại.

 

Trên cơ sở đó, căn cứ vào chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, doanh nghiệp cần lựa chọn mục tiêu, chiến lược hoạt động phù hợp với tình hình mới. Nếu mỗi doanh nghiệp đều có ý thức phấn đấu làm được điều này, thì cả hệ thống doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn và nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn. 



Với vai trò nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Quốc hội, ông có trăn trở gì để đổi mới cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước, nhất là lĩnh vực quản lí hoạt động kinh doanh vàng và tài chính ngân hàng?

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm:

Cơ chế chính sách quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh vàng trong thời gian qua chưa phù hợp, quá buông lỏng.

 

Khi nhận thức được bất cập này, cơ quan chức năng lại quản lí quá chặt chẽ, quá hành chính, khiến doanh nghiệp bị bế tắc, không có lối thoát.

 

Để thị trường vàng phát triển ổn định theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, cơ chế chính sách quản lí hoạt động kinh doanh vàng phải giải quyết được bốn vấn đề: 

 

Thứ nhất, vàng vẫn luôn là tài sản cất trữ rất lớn ở Việt Nam nên cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để thị trường vàng Việt Nam liên thông với thị trường vàng quốc tế. Cần dùng cơ chế chính sách để điều hành thị trường vàng, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính.

 

Đã gọi là liên thông, thì lúc thiếu phải cho nhập, lúc thừa phải cho xuất ra, tạo thành “bình thông đáy” giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế. 

 

Thứ hai, phải đảm bảo sự thông thoáng và quyền lợi mua bán vàng hợp pháp của người dân. Cụ thể với vàng trang sức, cần tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh mua bán tự do.

 

Đối với vàng miếng, chỉ nên quản lí chặt chẽ hoạt động sản xuất, không nên tạo ra sự độc quyền, còn hoạt động kinh doanh mua, bán cần được tạo điều kiện mở rộng để những người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể dễ dàng mua, bán được.  

 

Thứ ba, phải có chính sách huy động nguồn lực vàng trong dân để tránh tình trạng vàng “nằm chết” trong dân như hiện nay.

 

 

 

Để huy động hiệu quả số vàng này, cần phát hành chứng chỉ vàng và cho phs người sở hữu chứng chỉ được chuyển nhượng, cầm cố ở ngân hàng để vay vốn hoặc có thể giao dịch trên cơ sở giao dịch vàng.

 

Chính sách này thực ích nước, lợi nhà”, bởi lẽ người dân vừa được hưởng lãi từ chứng chỉ vàng, vừa có thể quay vòng chứng chỉ vàng để sinh lời. 

 

Về phía Nhà nước, có thể huy động và quản lí được số vàng trong dân để tăng dự trữ ngoại hối hoặc can thiệp thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, Nhà nước cần bảo đảm nguyên tắc khi người dân cần vàng, phải hoàn trả lại vàng cho dân, thì chính sách này mới phát huy tác dụng. 

 

Thứ tư, cần xem xét lại chính sách cấp quota nhập khẩu vàng, bởi vì trong thời gian qua chính sách này như “muối bỏ bể”, không đủ sức can thiệp giá vàng. 

 

Nền kinh tế nước ta đang bộc lộ nhiều yếu kém, lạm phát cao chỉ sau Venezuela; xuất siêu của các nước chỉ khoảng 5-7% GDP, nhưng nước ta tới 18%; bội chi ngân sách của các nước ở mức 3% đã bị báo động, nhưng nước ta tới 8%; hệ số ICOR của các nước 2,5%, nhưng nước ta 10%...

 

Điều này đã làm cho cán cân thương mại cả nước ta bị thâm hụt nghiêm trọng, lạm phát bùng lên, tính phụ thuộc vào nước ngoài nhiều lên. Mô hình tăng trưởng của chúng ta chưa hợp lí, chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm đầy đủ đến hiệu quả, sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng toàn cầu.

 

Về cơ cấu kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu chạy theo phân phối; công nghiệp thì chủ yếu là phụ trợ và gia công, công nghiệp chế tạo không đáng kể; dịch vụ tài chính ngân hàng chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ mới.

 

Điều đáng mừng là trong tất cả các Nghị quyết trung ương đã ban hành vừa qua đều khẳng định phải thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế (tái cơ cấu việc phân bổ vốn; tái cơ cấu hệ thống tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là Tập đoàn).  

 

Tất cả những thay đổi trên phải quan tâm đến thay đổi thể chế, thay đổi cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực. Có như vậy mới chống được tư duy nhiệm kì, lợi ích nhóm, bệnh thành tích, phân tán địa phương cục bộ.

 

Nếu làm được điều này thì nước ta sẽ thoát ra khỏi khó khăn, chống được lạm phát, tạo ra được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, chủ trương này cần có lộ trình thích hợp, không nóng vội. 



Xin cảm ơn Ông!

PV thực hiện

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo