Tin tức - Sự kiện

Thận trọng với trần lãi suất huy động

Chưa nên bỏ trần lãi suất vì trần lãi suất mang tính chất hướng dẫn cho các NHTM trong việc huy động vốn, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn ở một số lĩnh vực ưu tiên xuống 1%/năm. Động thái này cho thấy nỗ lực hỗ trợ cầu nội địa thông qua việc cắt giảm lãi suất nhưng cũng không kém phần thận trọng của NHNN.
 
“Giội một xô nước”
 
Trước đó, vào cuối tháng 3/2013, NHNN đã điều chỉnh giảm 1%/năm đối với các mức lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng; giảm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
 
Trước ý kiến băn khoăn về việc hạ lãi suất đầu ra vẫn theo kiểu nhỏ giọt, lãi suất đầu ra vẫn cao, chưa kích thích được các DN vay vốn để khôi phục sản xuất- kinh doanh, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến chia sẻ: “Nghe qua con số hạ lãi suất 1%/năm thì có vẻ như nhỏ nhoi, nhưng việc hạ lãi suất phải dựa trên cơ sở kinh tế vĩ mô và theo dõi chiều hướng của nền kinh tế cũng như khả năng kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ đòi hỏi sự linh hoạt, khéo léo, thận trọng và việc NHNN điều chỉnh lãi suất mỗi đợt giảm 1%/năm là khá lớn. Có thể nói, việc giảm này như “giội một xô nước” với thị trường, chứ không thể gọi là “nhỏ giọt”. Mức hạ lãi suất 1%/năm với lãi suất là phù hợp với bối cảnh hiện nay”.
 
Nhìn lại chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2012, để hỗ trợ DN thoát khỏi khó khăn, phục hồi sản xuất- kinh doanh, ngay từ đầu năm, NHNN đã đưa ra mục tiêu giảm lãi suất huy động xuống còn 9 - 10%/năm vào cuối năm, đồng thời đưa ra lộ trình giảm trung bình mỗi quý thêm mức 1%/năm. Trước xu hướng giảm nhanh của lạm phát, NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất tiền gửi VND nhanh hơn dự kiến, với tổng mức giảm trong năm 2012 khoảng 5 - 6%/năm.
 
Từ tháng 5/2012, NHNN cũng quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên điều chỉnh giảm từ mức 15%/năm xuống mức 12%/năm. Với những nỗ lực của NHNN, đến cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động VND đã giảm mạnh từ 3 - 6%/năm, lãi suất cho vay giảm từ 5 - 9%/năm và trở về mức lãi suất cuối năm 2007 (với lĩnh vực ưu tiên là 9 - 12%/năm; sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng là 12 - 15%/năm, thậm chí khách hàng tốt được hưởng lãi suất chỉ từ 9 - 11%/năm).
 
Chưa điều chỉnh trần lãi suất huy động
 
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank nhận định, chính sách điều hành lãi suất của NHNN hoàn toàn phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường. Mặt bằng lãi suất như hiện nay, kể cả huy động hay cho vay, theo ông Thọ, đều hợp lý. Lãi suất huy động vẫn bảo toàn được lợi ích, tạo ra lãi suất thực dương cho người gửi tiền, nhưng quan trọng hơn cả, người gửi tiền đã nhận diện được ngân hàng có chất lượng tốt, thanh khoản dồi dào khi nhìn vào lãi suất tiết kiệm niêm yết của những ngân hàng này.
 
Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, sau khi tính toán và cân nhắc trên thực tế, Agribank quyết định hạ lãi suất huy động vốn dưới 12 tháng xuống mức 7%/năm, với kỳ hạn trên 12 tháng là 8%/năm. Nếu các điều kiện khác được hỗ trợ như cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, tạo điều kiện không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà cả DN, Agribank sẽ tính toán đến khả năng tiếp tục hạ lãi suất huy động.
 
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, mỗi TCTD dựa trên năng lực, uy tín mà quyết định mức lãi suất huy động khác nhau, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chưa nên điều chỉnh giảm thấp hơn trần lãi suất huy động hiện hành.
 
“Với kỳ vọng lạm phát ở mức 6,5% trong năm 2013, trần lãi suất hiện đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền, sẽ không tạo ra sự dịch chuyển mạnh dòng tiền tiết kiệm sang các lĩnh vực đầu tư khác. Do vậy, NHNN chưa tính toán điều chỉnh hạ lãi suất huy động thời điểm này”, ông Tiến nói.
 
Vẫn duy trì trần lãi suất huy động
 
Ở thời điểm này, quan điểm bỏ trần lãi suất huy động lại tiếp tục được một số chuyên gia đặt ra. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, về tổng thể, hệ thống tài chính ngân hàng vẫn còn có những ngân hàng huy động chưa ổn định, thanh khoản rất hạn chế, nên việc NHNN tiếp tục giữ trần lãi suất huy động  ở mức 7,5% là điều cần thiết. Tuy vậy, ông Tú cho rằng, về lâu dài, NHNN cần có lộ trình cho việc bỏ trần lãi suất.
 
Đồng quan điểm này, một lãnh đạo cao cấp của VIB cho rằng, chưa nên bỏ trần lãi suất vì trần lãi suất mang tính chất hướng dẫn cho các NHTM trong việc huy động vốn, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống. Bên cạnh đó, trần lãi suất còn là định hướng chung, có tác động sâu rộng đến dân chúng. Một người dân không thể cập nhật lãi suất huy động của mấy chục ngân hàng nên việc NHNN công bố trần lãi suất huy động, người dân dễ nhớ và có cơ sở để tham chiếu lãi suất giữa các  ngân hàng.
 
“Tôi vẫn giữ quan điểm nên bỏ trần lãi suất huy động khi lạm phát được kiểm soát, nhưng hiện lạm phát dù tương đối thấp song vẫn còn cao so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để bỏ trần lãi suất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
 
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến chia sẻ, trong toàn hệ thống, thanh khoản đã được cải thiện rõ rệt và có dư thừa. Một số NHTM có thanh khoản dư thừa đã tự điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống dưới mức trần. Tuy nhiên, không phải không có TCTD thanh khoản chưa tốt. Nếu NHNN bỏ trần lúc này, có thể các TCTD thanh khoản chưa tốt sẽ tăng lãi suất huy động lên và kéo theo lãi suất cho vay cao khiến chủ trương giảm mặt bằng lãi suất cho vay lại không thực hiện được. Để thiết lập được trật tự thị trường tiền tệ như thời gian qua đã là rất khó khăn, nếu bây giờ bỏ quy định về trần lãi suất huy động, ngành ngân hàng có thể gặp khó khăn hơn.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo ĐTCK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo