Thị trường

Thanh long phải đổ bỏ vì không biết công nghệ Nhật?

Trong khi thanh long bị vứt bỏ thì nhiều tỉnh không hay biết gì về công nghệ bảo quản nông sản hiện đại nhất Nhật Bản đang được Bộ KHCN ứng dụng.

 Có nhu cầu là triển khai ngay

Tháng 6/2014, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", một tiết lộ của Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân khiến bà con nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khấp khởi: 5 quả vải bán tại Nhật Bản có giá đến vài trăm nghìn và 10 tấn vải thiều Lục Ngạn chuẩn bị đi Nhật Bản nhờ ứng dụng công nghệ bảo quản hiện đại của nước này. Người nông dân hy vọng từ đây, điệp khúc được mùa rớt giá, nông sản rẻ như cho, phải đổ bỏ cho trâu bò ăn sẽ chấm dứt.
 
Đây không phải lần đầu Bộ trưởng KHCN nhắc đến công nghệ bảo quản này. Trước đó đúng 1 năm, cũng trong chương trình này, vào tháng 6/2013, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nhắc tới việc hợp tác với Nhật để bảo quản rau quả, và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam. Đây là công nghệ rất hiện đại, với tổng vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD.
Thanh long bị đổ ra đường cho bò ăn tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận sáng 11/8 . Ảnh Tuổi trẻ TP.HCM
PGS.TS Trần Ngọc Lân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ KHCN) cho biết đó là công nghệ CAS (Hệ thống tế bào còn sống) của Nhật Bản để sử dụng trong bảo quản những sản phẩm hải sản, nông sản hàng hóa xuất khẩu. Bản thân ông Lân từng làm trưởng đoàn công tác của Bộ KHCN sang học tập công nghệ này tại Nhật Bản vào tháng 8/2013
 
Theo ông Lân, hiện trong lĩnh vực bảo quản hải sản, nông sản, CAS là công nghệ hiện đại nhất, với nguyên lý kết hợp giữa từ trường và đông lạnh nhanh. Hải sản và trái cây được bảo quản bằng công nghệ CAS sẽ giữ được chất lượng, độ thơm ngon như vừa mới thu hoạch, mặc dù thời gian lưu trữ có thể một hay nhiều năm, tùy đối tượng.
 
Đây là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hải sản, nông sản, thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Đến nay, Bộ KHCN đang xúc tiến xây dựng một dây chuyền công nghệ CAS bảo quản cá ngừ ở Phú Yên và đã xuất hơn 10 tấn vải thiều Lục Ngạn được bảo quản bằng công nghệ này sang Nhật Bản làm mẫu.
 
Đối với quả thanh long, ông Lân cho rằng nếu được bảo quản bằng công nghệ CAS thì rất tốt, vì đã thử nghiệm thành công trên quả vải.
 
"Từ năm ngoái, chúng tôi đã làm thử nghiệm trên quả vải và bảo quản được ít nhất 6 tháng. Qua đánh giá, chất lượng vải vẫn như ban đầu", ông Lân cho biết.
 
Trước băn khoăn bao giờ công nghệ bảo quản nông sản hiện đại này có thể áp dụng đại trà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết, công nghệ CAS đã sẵn sàng triển khai trên thực tế nhưng điều quan trọng nhất là nó phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp.
 
"Thời gian để giải mã một công nghệ như thế là quá nhanh, từ năm 2013 đến 2014 có thể bắt đầu ứng dụng ở quy mô doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì Bộ sẽ triển khai", ông Lân nói.
 
Về chi phí khi áp dụng công nghệ này, ông Lân cho biết điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mỗi quy mô có giá đầu tư thiết bị công nghệ khác nhau.
 
Chưa nghe bao giờ
 
Trước đó, đầu tháng 8, nhiều tờ báo phản ánh giá thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang... rớt giá thê thảm. Thậm chí, trên Quốc lộ 1 và trên tỉnh lộ 707 huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, thanh long bị vứt bỏ chất thành đống.
 
Người dân cho hay đây là hàng dạt, bị đốm, nấm, mốc. Trước kia, loại thanh long như vậy vẫn bán được, nay rớt giá quá nên bẻ bỏ cho bò ăn, nhiều quá bò ăn không hết thì chở ra đổ bỏ ngoài đường.
 
Với diện tích gần 24.000ha, Bình Thuận là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, Phó Ban chỉ đạo thanh long VietGAP Bình Thuận lý giải việc thanh long chất đống bên đường hồi đầu tháng 8/2014 là do khi đó thanh long cùng hàng loạt trái cây khác đang vào chính vụ, lượng cung quá nhiều so với nhu cầu khiến giá rớt mạnh, một số hộ dân, doanh nghiệp dự trữ lâu phải đổ bỏ.
 
"Đó là chuyện bình thường, 1- 2 ngày thế thôi, giống như chợ nhiều thịt, nhiều rau thì phải giảm giá bán. Cách đây 2 tuần giá thanh long 2.000 đồng/kg, còn bây  giờ giá 15.000 đồng/kg không có mà bán".
 
Giải thích cụ thể hơn, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, địa phương có hơn 5.000ha thanh long cho biết: thanh long có 1 vụ chính vụ và 2 vụ xông đèn. 
 
Vào thời điểm chính vụ (tháng 4 tới tháng 8 hàng năm), thanh long tự nhiên có trái, người nông dân không tốn chi phí gì hết. Do đó, dù thanh long vào chính vụ bán 2.000 đồng/kg thì 10 tấn cũng được 20 triệu đồng, nếu bán được 3.000-5.000 đồng/kg là giá tốt.
 
Còn  2 vụ xông đèn (tháng 8 đến tháng 4 năm sau), chi phí bà con xông đèn cho thanh long khoảng 5.000-6.000 đồng, nếu thời điểm này bán  giá 5.000 đồng/kg coi như lỗ, còn nếu bán 10.000-20.000 đồng là lời.
 
Đề cập đến giải pháp bảo quản thanh long sau thu hoạch, đặc biệt là giai đoạn chính vụ khi lượng tồn kho nhiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, các doanh nghiệp thu mua thường để thanh long trong container có gắn thiết bị lạnh. 
 
Trong nhiệt độ lạnh bảo ôn khoảng 5 độ C, thanh long có thể để được 25-30 ngày. Ngoài ra, người nông dân có thể tiến hành bọc gói quả ngay trên vườn, để thêm được 5-10 ngày rồi thu hoạch.
 
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, phải dùng phương pháp chiếu xạ (khi xuất sang Mỹ) hoặc xông hơi nước nóng (khi xuất sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...) để xử lý triệt để côn trùng, ruồi đục quả...
 
Tuy nhiên, ông Hưng chưa biết gì về công nghệ CAS hiện đại của Nhật Bản mà mới chỉ nghe phong thanh các viện của Việt Nam đang hợp tác với nước ngoài nghiên cứu. "Chúng tôi chưa tiếp nhận công nghệ này, nếu triển khai có lẽ cũng không có vấn đề gì", ông Hưng nói.
 
Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cũng cho biết ông chưa nghe đến công nghệ tế bào sống bảo quản nông sản. Hiện tỉnh chưa có cách thức nào để bảo quản trái thanh long khi đến giai đoạn chín muồi.
Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo