Chính trị

Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh

Dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc gia tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố, đồng thời đảm bảo việc kiểm tra, giám sát của các cấp lãnh đạo trung ương và người dân, đồng thời cơ chế này phải đặt trong mối tương quan "thành phố vì cả nước - cả nước vì thành phố".

Ngày 26/10, Bộ Tài chính đã làm việc với Thành ủy, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để thảo luận nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Theo đó, dự thảo được xây dựng trên nguyên tắc: đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố Hồ Chí Minh trong việc thực hiện đầy đủ, công khai, minh bạch và tăng cường giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. 

Bộ Tài chính làm việc với TP Hồ Chí Minh về dự thảo cơ chế đặc thùn  phát triển kinh tế (Ảnh Thời báo tài chính Việt Nam).

 Ngoài ra, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh phải đặt trong mối quan hệ thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố để phát triển; bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế  - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Cuối cùng, phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và trật tự hệ thống của pháp luật, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam online, dự thảo Nghị quyết quy định cho TP.HCM được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định. TP cũng được phép thực hiện một số chính sách mà hiện hành chưa quy định…

Các lĩnh vực dự kiến được đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm bao gồm: Quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính- ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính với tinh thần quyết liệt, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Bộ Chính trị, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ giúp việc, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

 

“Cuộc làm việc với mục đích xin ý kiến trực tiếp các đồng chí trong đoàn Đại biểu Quốc hội, các đồng chí trong thành ủy, UBND TP nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo TP.HCM- một trung tâm kinh tế lớn nhất, trung tâm trọng điểm thu lớn của cả nước có nguồn lực, có cơ chế chính sách và đủ sự năng động để tiếp tục phát triển, xứng đáng là đầu tàu của cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, dự thảo Nghị quyết quán triệt tinh thần chung kết luận của Bộ Chính trị, đó là: Việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đối với TP.HCM đặt trong tổng thể chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng trong khung khổ pháp luật, việc gì đã rõ thì cho làm ngay, việc gì chưa rõ phức tạp thì cho làm thí điểm, có sơ kết, tổng kết để nhân rộng.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, sau cuộc làm việc, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đoàn Đại biểu Quốc hội, đại diện Thường trực Thành ủy và UBNDTP rất trân trọng tinh thần làm việc chủ động của Bộ Tài chính. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tin rằng sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để TP phát triển nhanh, bền vững cùng cả nước.

Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và trên cơ sở đề xuất của TP.HCM. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Được biết, ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính đã tổ chức họp xin ý kiến một số bộ, cơ quan trung ương và UBND TP.HCM để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có văn bản số 14319/BTC-NSNN ngày 24/10/2017 gửi xin ý kiến UBND TP.HCM cho ý kiến vào dự thảo.

Ngày 24/10/2017, UBND TP.HCM có văn bản số 6677/UBND-TH gửi Bộ Tài chính kèm theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ ý kiến của TP, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP.HCM./. 

 

Nên đọc
Cao Lâm (Tổng hợp theo TTXVN, Thời báo tài chính VN)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo