'Hâm nóng' thị trường tiền tệ trong mùa cao điểm
Nỗi lo an toàn thông tin từ dịch vụ ngân hàng số / Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
Thanh khoản cho đến thời điểm này vẫn thể hiện rất dồi dào. |
Trong 2 phiên giao dịch ngày 9 và 10/11, nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục chỉ ghi nhận hoạt động chào thầu 1.000 tỷ đồng, lãi suất 2,5%, kỳ hạn 7 ngày của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên kênh cầm cố. Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu và không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thanh khoản dư thừa
Thông thường thanh khoản của các ngân hàng thương mại thường căng hơn trong những tháng cuối năm, bởi trong giai đoạn này, nhu cầu tín dụng thường tăng cao, trong khi hoạt động huy động vốn lại gặp khó khăn, thậm chí nguồn vốn huy động của nhiều ngân hàng còn có thể giảm do người dân rút tiền vì nhu cầu chi trả, thanh toán tăng.
Thời điểm này năm ngoái, thông qua kênh tín phiếu, nhà điều hành phải bơm lượng tiền lớn vào thị trường. Ví dụ, chỉ trong tuần từ 4-8/11/2019, ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường thêm 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong thời gian này, các thành viên còn phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất liên tục tăng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 1,90%/năm; 1 tuần là 2,15%/năm và 2 tuần là 2,45%/năm, cao hơn lần lượt là 0,25%, 0,3% và 0,4% so với thời điểm đầu tháng 10/2019.
Nhưng năm nay, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tăng trưởng tín dụng thấp, tính đến ngày 30/9 chỉ đạt 6,09% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức 9,4% cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, huy động vốn 9 tháng tăng khá ở mức 7,7%. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại không hút tiền về nhằm tạo áp lực hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp nên thị trường mở phải đóng băng trong suốt quãng thời gian vừa qua.
Ở khía cạnh khác, trong thời gian qua NHNN liên tục thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối với ước tính đạt gần 10 tỷ USD, tương đương với bơm ra thị trường hơn 23.000 tỷ đồng khiến thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ duy trì ở mức thấp kể từ tháng 5/2020.
Thông tin về hoạt động ngân hàng đến ngày 30/10, NHNN cho biết, lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,1%/năm, 0,16%/năm và 0,42%/năm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ so với cùng thời điểm năm ngoái giảm mạnh. Hiện, lợi suất 3 năm 0,37%; 5 năm 1,34%; 7 năm 1,65%; 10 năm 2,58%; 15 năm 2,79%.
Lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,3%-1%
Thanh khoản hệ thống trong 10 tháng đầu năm 2020 dồi dào. Diễn biến này chủ yếu là do dịch bệnh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến cầu tín dụng giảm rõ rệt. Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất để đẩy tín dụng ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Điều này đã ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng giảm theo.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc đầu tư Công ty Cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cho rằng, để kích thích kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay. Muốn làm được việc này ngoài việc người gửi tiền phải chấp nhận giảm thu nhập (do lãi suất huy động giảm) thì các ngân hàng thương mại cũng phải cùng chia sẻ khó khăn.
“Về lãi suất huy động vẫn có thể giảm thêm dù dư địa giảm không thể bằng như 9 tháng đầu năm. Lãi suất huy động của ngân hàng nhóm dẫn đầu hiện gần 5% và nhóm 2 là gần 6%. Vì vậy, lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,3%-1% trước khi đi vào trạng thái ổn định kéo dài”, ông Linh đánh giá.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, việc một số ngân hàng lớn vừa đưa ra các gói cho vay lãi suất thấp, chỉ từ 5-7% là một tín hiệu đáng mừng. Đây sẽ là khởi đầu cho một đợt giảm lãi suất cho vay rộng rãi hơn và kỳ vọng nó có thể kéo dài cùng với xu hướng giảm của lãi suất huy động.
Nếu lãi suất huy động giảm thêm cùng với nền kinh tế phục hồi tốt hơn trong quý IV/2020, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9-10% là hoàn toàn khả thi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và cả sang những tháng đầu năm 2021.
Còn TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng tin rằng, với các giải pháp phù hợp, tín dụng những tháng cuối năm có khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng thêm 1% để tăng trưởng cả năm đạt từ 8%-9%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI