"Tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 5% là rất lạc quan"
DNVN - Đây là ý kiến của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khi bình luận về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn nhanh nhất châu Á / Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ sớm quay trở lại
Sáng 20/5, báo cáo trước Quốc hội về phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng KTXH và dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới; phân tích, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện; để tạo sự chủ động trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương; với nỗ lực phấn đấu cao, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác.
Trước đó, Chính phủ cũng gửi tới Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chính phủ đánh giá, để ứng phó dịch COVID-19, nước ta đã phải linh hoạt điều chỉnh mục tiêu phát triển, đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Do đó, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan.
Theo đó, dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5%. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.
Bình luận về việc Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, "mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 ở mức 5% là rất lạc quan".
Theo chuyên gia này, kinh tế thế giới và Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh nên dĩ nhiên không thể đạt được mức tăng trưởng 6,8% như mục tiêu ban đầu.
"Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng 5% và thậm chí là 5%", ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Dù vậy, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, "đó là kỳ vọng bởi trên thực tế chúng ta đối mặt với rất nhiều khó khăn mà theo một số nghiên cứu có thể là tăng trưởng tại một số quốc gia như Mỹ có thể tăng trưởng âm. Do đó, trong tình hình biến động của thế giới như vậy, nếu chúng ta tăng trưởng được ở mức 5%, tôi cho rằng đây là điều rất tốt. Còn trong 1 kịch bản xấu có lẽ chúng ta phải chuẩn bị cho mức tăng trưởng thấp hơn nhiều".
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020. Theo đó, kịch bản 1 là các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh trong quý 3/2020, thì GDP tăng 4,4 - 5,2%. Còn kịch bản 2 là trong quý 4/2020, các đối tác kinh tế quan trọng mới khống chế được dịch bệnh, thì GDP tăng trưởng 3,6 - 4,4%.
Với hai kịch bản này cũng như từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, TS. Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá rằng, tăng trưởng GDP năm nay quanh mức 4,5% là khả dĩ nhất và có thể đạt được.
Song, theo ông Đỗ Văn Sinh, điều này phụ thuộc khá nhiều vào tình hình khống chế Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là 6 đối tác kinh tế lớn nhất của nước ta gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.
Từ đầu tháng 5/2020, dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều nền kinh tế đã dần gỡ bỏ, nới lỏng giãn cách xã hội. Đây là điều kiện để Việt Nam gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu, qua đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2020 sẽ được cải thiện.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 18/1/2025: USD đảo chiều tăng giá
Dự thảo chính sách thử nghiệm fintech: Nguy cơ gây khó trong quản lý tài sản mã hóa
Giá vàng ngày 18/1/2025: Vượt mốc 87 triệu đồng/lượng
Nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Ba Lan lên 5 tỷ USD vào 2030
Giá heo hơi ngày 18/1/2025: Dưới mốc 70.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 18/1/2025: Cà phê tăng đáng kể, hồ tiêu duy trì ổn định
Cột tin quảng cáo