10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan năm 2021: Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành
DNVN - Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” là 1 trong 10 sự kiện đáng chú ý của ngành hải quan trong năm 2021.
Ngày 27/12: Thêm 14.872 ca mắc COVID-19 mới tại 59 tỉnh, thành phố / Trao giải cuộc thi “Thanh niên với văn hóa giao thông”
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), mặc dù trải qua một năm 2021 đầy sóng gió nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành hải quan đã ghi nhận những kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đây là 10 sự kiện nổi bật ngành hải quan trong năm 2021 vừa được Tổng cục Hải quan công bố:
1. Tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
Ngày 30/11/2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức cán mốc 600 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng cho sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Kết quả này sẽ tạo đà thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 600 tỷ USD và cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập sâu và rộng của đất nước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,5%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020.
2. Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành
Tổng cục Hải quan đã chủ trì xây dựng Đề án“Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” nhằm cải cách thực chất công tác kiểm tra kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, phát huy trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và hiện đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính trong 1 năm tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD Mỹ) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.
3. Triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn liên quan đến vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới.
Trong năm 2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện bắt giữ và xử lý 14.568 vụ vi phạm pháp luật Hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.709,89 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ.
4. Phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số
Song song với thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030.
Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.
5. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn. Theo đó, hải quan đã thực hiện nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK; tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK; tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng có những giải pháp thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng chống dịch; và các giải pháp hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
6. Tăng cường quan hệ đối tác quốc tế về kỹ thuật và trang thiết bị
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động hợp tác quốc tế giữa Hải quan Việt Nam với các cơ quan hải quan đối tác và các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì và phát triển bền vững, thể hiện rõ nhất là các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật được triển khai hiệu quả với việc tiếp nhận hỗ trợ trang thiết bị từ các đối tác để phục vụ cho công tác quản lý biên giới và hải quan của Việt Nam.
Quan hệ đối tác giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước và các tổ chức quốc tế phát triển trên một tầm cao mới thông qua trao đổi thông tin quản lý hải quan; hỗ trợ nâng cao năng lực, trang thiết bị hiện đại.
7. Nhiều năm liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính
Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa. Tổng cục Hải quan thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính qua đó đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Nhiều thành phần hồ sơ, chứng từ, giấy tờ, phương thức thực hiện thủ tục hành chính đã được điện tử hóa.
Nhờ đó mà Tổng cục Hải quan là đơn vị nhiều năm liền đứng đầu trong khối các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính về Chỉ số cải cách hành chính.
Nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí cho doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
8. Quyết liệt kiểm tra sau thông quan
Trước tính chất cấp bách, sự ảnh hưởng lớn từ sự việc, xác định các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước, uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách, Tổng cục Hải quan quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra để làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó, 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao cho các Cục Hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
9. Quy chuẩn hóa trang phục, chứng minh hải quan
Tổng cục Hải quan đã thông qua triển khai Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07/01/2020 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.
10. Xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 – 2030
Nhằm tiếp tục công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, với mong muốn phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hải quan Việt Nam đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo đặt ra mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo