Thị trường

Cà phê Khe Sanh rộng đường xuất khẩu

DNVN - Sản phẩm cà phê Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”, thêm điều kiện có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu.

Hành tím không chất bảo quản có chỉ dẫn địa lý cấp Nhà nước / Mở rộng chỉ dẫn địa lý cho cây chủ lực

Cà phê “Khe Sanh” được trồng ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Loại cây trồng này nằm trong khu vực có tiểu vùng khí hậu và các loại đất phù hợp để phát triển cây cà phê và từ lâu huyện Hướng Hóa đã thành công với cây loại cây trồng này.

Thực hiện chủ trương nhân rộng của tỉnh, vùng Bắc Hướng Hóa đã hình thành được vùng chuyên canh cà phê rộng lớn. Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đã trở thành đặc sản của tỉnh và mới đây Quảng Trị là 1 trong 8 tỉnh được Bộ NN - PTNT chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Để tạo điều kiện cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê “Khe Sanh”.

Ông Trần Ngọc Lân - Giám đốc Sở KH-CN Quảng Trị khẳng định xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể cà phê chè “Khe Sanh” là việc làm hết sức cần thiết cho một nông sản nổi tiếng, phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Xác định cây cà phê là loại cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển, nhiều năm qua, huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng vùng nông sản sạch; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghiệp chế biến sản phẩm đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển vùng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Tuy nhiên đến nay, người tiêu dùng trong nước vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm cà phê mang nhãn hiệu “Khe Sanh”. Sản phẩm cà phê Hướng Hóa đang đứng trước nguy cơ mất thương hiệu mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa phát triển được thương hiệu sản phẩm cà phê “Khe Sanh” rộng rãi trong cả nước; thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; thị trường đầu ra chưa ổn định, công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; nông dân chưa áp dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất; chưa có hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm; chưa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý…

Cà phê vùng Hướng Hóa có chất lượng đặc trưng riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện sinh thái của khu vực sản xuất. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cà phê vùng Hướng Hóa.

Quảng Trị: Xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê “Khe Sanh”.

Quảng Trị: Xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê “Khe Sanh”.

Theo đó, trong 3 năm từ 2022 - 2024, dự án triển khai các nội dung để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa gắn với đăng ký mã số vùng trồng, kiểm soát chất lượng và nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ. Xây dựng các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý phù hợp với điều kiện của địa phương, khu vực và tính chất của sản phẩm cà phê được bảo hộ. Xây dựng hệ thống công cụ phục vụ quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Cùng đó, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và hướng đến đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa. Quảng bá và phát triển chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh” cho sản phẩm cà phê nhằm mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Bà Thái Thị Nga - Trưởng Phòng Quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án sẽ thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến sản phẩm cà phê và vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Lấy ý kiến về nhu cầu đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Thống kê số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh. Phân tích chất lượng sản phẩm cà phê Hướng Hóa và các vùng lân cận, các điều kiện tự nhiên và con người liên quan đến tính đặc thù của sản phẩm cà phê Hướng Hóa. Xây dựng bản đồ vùng sản xuất cà phê đủ điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thiết kế biểu tượng địa danh gắn với chỉ dẫn địa lý, thiết kế hệ thống nhận diện chỉ dẫn địa lý. Xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý”.

Theo đó, khi thực hiện dự án thành công, sản phẩm cà phê Hướng Hóa được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý “Khe Sanh”, lúc đó sẽ phát huy giá trị, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường; góp phần chống lại sự lạm dụng dấu hiệu nguồn gốc, đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn, duy trì và phát triển một sản phẩm đặc sản của địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất cà phê Hướng Hóa phát triển bền vững.

Tỉnh Quảng Trị có gần 4.700ha cà phê, chủ yếu là cà phê chè, nhưng trong số đó có đến 2.400ha cà phê do trồng đã quá lâu nên già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh. Để nâng cao chất lượng và giữ vững thương hiệu cà phê Khe Sanh, tỉnh quyết định từ nay đến năm 2025, mỗi năm tái cánh 200ha cà phê chè. Cải tạo và trồng tái canh cà phê là vấn đề cấp thiết nhất lúc này với cây cà phê ở Hướng Hóa.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, cây cà phê của Hướng Hóa chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê cả nước, 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của tỉnh. Giá trị sản lượng cà phê Hướng Hóa hàng năm mang lại khoảng 300 tỷ đồng. Tổng số hộ nông dân tham gia trồng cà phê có hơn 8.000 hộ, phần lớn là người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Cây cà phê Quảng Trị có chất lượng cao được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành trồng và xuất khẩu cà phê.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm