Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới
DNVN - Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới...
Giám đốc WB tại Việt Nam: Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ / Giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế số ở Việt Nam
Đây là một phần nội dung kiến nghị được Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đưa ra trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 15/6. Bài phát biểu của của Đại biểu đoàn Lào Cai tập trung vào những thời cơ và thách thức của kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tạo động lực lớn, đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi kinh tế số.
Theo nữ đại biểu này, có lẽ chưa có cuộc khủng hoảng nào trong gần 100 năm qua gây ra thiệt hại lớn cả về y tế và kinh tế như đại dịch COVID-19. Không chỉ thế, COVID-19 đã làm đứt gãy, nếu không muốn nói là phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng logistics mà phải mất rất nhiều thời gian thế giới mới xây dựng lên được trong không gian hội nhập.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng rất nhanh, bằng cách tham gia mạnh hơn vào nền kinh tế số. Đơn cử như Tập đoàn Thương mại điện tử Amazon, trong khi người lao động tại nhiều ngành bị mất việc thì Amazon vẫn tuyển dụng thêm 175.000 nhân viên chỉ trong vòng 2 tháng, khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, đột biến. Nhờ đó mà Chủ tịch Tập đoàn Jeff Bezos cũng đã bổ sung vào khối tài sản khổng lồ của mình thêm 24 tỷ USD. Đại dịch cũng đã giúp kinh doanh trực tuyến phát triển nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ của các tập đoàn công nghệ, mới nhất thì Google đã quyết định mở kênh trực tuyến miễn phí khu Google shopping. Để cạnh tranh với nhiều nền tảng thương mại số khác, Facebook cũng đã quyết định đầu tư 5,7 tỷ đôla vào hệ thống bán lẻ trực tuyến tại Ấn Độ.
Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai)
"Có thể nhận thấy cú hích từ đại dịch COVID đã tạo động lực lớn, đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, nhất là chuyển đổi số của kinh tế thế giới, đặt ra cả thời cơ và thách thức cho các nước đang phát triển. Quá trình số hóa diễn ra cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, song với tốc độ và mức độ không đồng đều giữa các nước", bà Lê Thu Hà nhận định.
Đối với Việt Nam, đại biểu cho rằng, xu hướng trên mang lại cả cơ hội và thách thức, mà tích cực là điều kiện để rút ngắn khoảng cách phát triển, nếu chuyển đổi mô hình phát triển thành công và biết tranh thủ lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ kinh tế số bùng nổ, hậu COVID-19, bởi triển vọng kinh tế số của Việt Nam được đánh giá rất tích cực trong khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất với tỷ lệ là 38% so với mức trung bình chung là 33%. Mặt tiêu cực là quá trình này đồng thời cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ gia tăng khoảng cách phát triển và khoảng cách số cùng nguy cơ an ninh mạng, ảnh hưởng chủ quyền quốc gia trong không gian số. Công nghệ số và chuyển đổi số cũng có những giới hạn nhất định chỉ bổ trợ chứ không thể thay thế được các phương thức sản xuất tiêu dùng, giao tiếp trực tuyến truyền thống. Bên cạnh đó thì xu hướng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng về công ty mẹ và chính quốc vì lý do an ninh kinh tế cộng thêm ứng dụng công nghệ robot tự động hóa và in 3D có thể khiến chúng ta mất đi lợi thế cạnh tranh là lao động rẻ, từ đó có thể bị gạt ra khỏi cuộc chuyển đổi số hậu dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Đại biểu Lê Thu Hà, thời gian qua các hoạt động kinh tế số ở nước ta đã có sự tăng trưởng tích cực và được Chính phủ quan tâm ưu tiên phát triển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm tỷ lệ 20% và gần đây nhất tháng 5/2020 thì đã ban hành Kết luận số 77 về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, trong đó, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ được coi là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau COVID-19. Đây là những định hướng đúng đắn và kịp thời.
Để thực hiện được điều đó, Đại biểu Lê Thu Hà đã đề nghị trong thời gian tới Chính phủ nên tập trung vào 3 nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, các chính sách và quy định xuyên suốt để định hình nền kinh tế số cần bao gồm các chính sách và quy định liên quan đến các luồng dữ liệu xuyên quốc gia, bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, bảo vệ khách hàng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Việt Nam cần chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, chú trọng tới các chính sách để tiếp cận với dịch vụ thanh toán an toàn và bảo đảm mang lại cơ hội thực hiện thanh toán điện tử cho cả khách hàng, doanh nghiệp trong và nước ngoài.
Thứ hai, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, bao gồm triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn, an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số, công nghiệp văn hóa số, y tế, giáo dục và đào tạo.
Thứ ba, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh, có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới, phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Đây có thể coi là giải pháp trung và dài hạn và cùng với những giải pháp trước mắt mà Chính phủ và các đại biểu Quốc hội trước tôi đã đề xuất. Tôi tin nền kinh tế của chúng ta sẽ vượt qua khó khăn và đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.
Cũng đề cập đến vấn đề kinh tế, Đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế tập, trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm phát huy hiệu quả vận hành Chính phủ điện tử, góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển đổi số trong hệ thống cơ quan nhà nước hành chính cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế. Phát huy hiệu quả các giải pháp công nghệ thông tin được áp dụng trong phục vụ công tác điều hành, giám sát dịch bệnh trong thời gian qua để hoàn thiện về mặt giải pháp và cơ sở pháp lý nhằm duy trì, nhân rộng, phục vụ tiến trình làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt và quan trọng tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe toàn dân gắn với hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo