Thị trường

Con đường nào cho phát triển kinh tế 2021?

Trong năm 2021, mục tiêu hàng đầu cần hướng tới là tập trung khắc phục hậu quả COVID-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế, trong đó kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra.

Năm 2021: Tập trung kiểm soát, chống gian lận trên thương mại điện tử / Nam Trung bộ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, nhờ đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, xét về khả năng duy trì tăng trưởng, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực thế giới. Với việc các động lực truyền thống có nhiều khả năng hồi phục và nền kinh tế có thể tận dụng được động lực mới, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 6,2 - 6,7%.

Thách thức để tăng trưởng cao

TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), cho biết kịch bản này dựa vào giả định tăng trưởng kinh tế thế giới trên đà hồi phục, đại dịch COVID-19 dần được khống chế trên toàn cầu. Trong nước, đầu tư khu vực Nhà nước tăng trưởng ở mức 7 - 8%. Đầu tư của khu vực FDI tiếp tục được duy trì, chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

con-duong-phat-trien-kinh-te-2-1738-3736

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể dao động ở mức từ 6,2 - 6,7%.

Tuy vậy, dưới tác động của đại dịch COVID-19, nhiều xu hướng lớn đã có sự thay đổi về tính chất và mức độ, ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Bối cảnh thế giới trở nên bất định và nhiều rủi ro hơn do tác động của dịch COVID-19.

TS. Đức Anh nhìn nhận, khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam trở nên khó khăn hơn. Trước việc "tái định hình" các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi hơn xuất phát từ sự thay đổi của các điều kiện tham gia chuỗi. Bảo hộ thương mại và xung đột thương mại có xu hướng tăng mạnh trong và sau COVID-19 có thể thúc đẩy dịch chuyển vốn và gia tăng cơ hội thương mại với một số đối tác, nhưng cũng đưa Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro, thách thức hơn.

Do vậy, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng trở nên cấp bách hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ được dự báo phát triển nhanh hơn sau COVID-19, Việt Nam đứng trước cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong quá trình thích ứng. Lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng số có điều kiện để phát triển nhanh hơn.

Trong năm 2021, mục tiêu hàng đầu cần hướng tới là tập trung khắc phục hậu quả COVID-19, khôi phục tăng trưởng kinh tế, trong đó kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Tiếp tục các biện pháp hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội nhưng cần tính đến bản chất, tác động cộng hưởng và các đối tượng cụ thể.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy việc triển khai các dự án đầu tư công. Tận dụng các cơ hội thị trường, đặc biệt là các cơ hội từ EVFTA và các Hiệp định FTA thế hệ mới khác nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường còn nhiều dư địa ngay khi đại dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN...

 

Đặc biệt, DN cần linh hoạt, sáng tạo, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cả nước và toàn cầu vẫn đang phải gánh chịu tác động của dịch bệnh. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các công nghệ lõi có tính tiên phong...

Nhanh chóng có gói hỗ trợ thứ 2

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Chính phủ nên có gói hỗ trợ thứ hai để phục vụ cho 2 mục tiêu là: phục hồi và tăng trưởng. Với mục tiêu phục hồi, Chính phủ nên tập trung vào chia sẻ khó khăn cho DN trong việc đối phó với những tác động do dịch COVID-19. Cần tránh những chính sách gây ra tác động ngược.

Vừa qua, chúng ta có chính sách hỗ trợ DN về lao động và doanh thu, nhưng lại đưa ra tiêu chí DN phải mất bao nhiêu doanh thu, lao động thì mới được hỗ trợ khiến DN lại phải làm thêm thao tác bỏ bớt lao động, bớt doanh thu để đáp ứng đủ tiêu chí. Vô hình trung đã tạo ra tác động ngược. Tiếp đến, gói chia sẻ DN phải chính xác hơn về đối tượng và dựa theo kết quả đầu ra để tránh tâm lý sống nhờ vào gói trợ cấp của Chính phủ.

Còn đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa tăng trưởng bây giờ phải là năng suất và tính năng động của khu vực DN. Gói tài chính nên tập trung vào đầu tư công có trọng điểm, hướng tới lợi ích của toàn dân ngay cả khi không còn COVID-19 như giáo dục, y tế, những hạ tầng kinh tế ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.

 

"Trụ cột rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đó là thể chế. Một DN ngoài chi phí kinh doanh, "gánh" trên lưng ít nhất 6 loại chi phí. Văn bản pháp lý đang tạo ra nhiều rủi ro và chi phí cơ hội khiến DN có thể bị đào thải", ông Hiếu dẫn chứng.

Do vậy, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng phải có cơ quan giám sát, chuyên nghiệp và độc lập có đủ thẩm quyền để thực hiện rà soát, bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, có như vậy cải cách thể chế mới bền vững, thay vì cơ chế tự thân như hiện nay (tức là người ban hành ra văn bản lại tự xem xét lại mình, tự sửa đổi, tự cải cách).

Trong khi đó, theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã đưa ra bài học rất lớn từ vấn đề thực hiện chính sách. Chúng ta đã tập trung cao nguồn lực và ý chí của toàn dân, cũng như đẩy mạnh tính minh bạch về thông tin, thông điệp, có sự tương tác giữa Nhà nước với xã hội nên đã tạo được niềm tin và đồng thuận cao trong việc chống dịch COVID-19. Vậy, cũng cơ chế cách làm đó cần được thực hiện trong giải quyết vấn đề kinh tế.

"Trong 5 năm qua, có nhiều chính sách hay, chủ trương tốt đã được đề ra từ đầu nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện chưa đến nơi đến chốn nên mọi thứ đều dở dang, cho nên 10 năm sau vẫn cứ nhắc lại 3 đột phá của 10 năm trước. Do vậy, rất cần xem lại cơ chế thực thi như thế nào", bà Lan nhìn nhận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm