Đồng Nai: Trái cây vụ hè khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Phải phục hồi du lịch và kích cầu một cách toàn diện hơn / Cán cân thương mại bất ngờ đổi chiều trong tháng 5
Trái cây hè rớt giá sâu
Nếu như mọi năm, thời điểm này nhiều vùng cây ăn trái tại Đồng Nai đang rộ mùa thu hoạch thi năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài làm mùa trái cây hè trễ vụ, thời gian thu hoạch cũng kéo dài hơn mọi năm. Không những thế, hiện nhiều loại trái cây mới bắt đầu vụ thu hoạch, xong do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều loại trái cây vụ hè rớt giá sớm khiến nhiều nông dân rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên”.
Anh Hưng - một hộ dân trồng chôm chôm tại TP. Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, vì chăm sóc kỹ nên năm nay vườn chôm chôm của gia đình anh trúng vụ nhưng rớt giá chỉ còn từ 5.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá bán tại vườn từ 30.000 - 40.000 đồng. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.
Giá chôm chôm giảm mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng.
“Nếu như năm trước thì vào thời điểm này các thương lái đã đến gia đình chúng tôi mua trái cây với giá rất tốt, thế nhưng do dịch nên giờ có rất ít thương lái đến hỏi giá rồi bỏ đi nơi khác. Còn hơn 2 tuần nửa là vào giữa vụ, chôm chôm sẽ chín hàng loạt, nếu bán ra với mức giá dưới 12.000 đồng/kg trong khi tiền công hái tăng cao từ 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày thì người trồng cây ăn quả như chúng tôi sẽ thiệt hại nặng”, anh Hưng nghẹn ngào cho biết.
Thương lái không còn mặn mà với chôm chôm như những vụ trước, sợ tiếp tục rớt giá, nhiều hộ dân tại Đồng Nai đã chủ động thu hoạch rồi thuê xe chuyển đến các tỉnh lân cận bán với cao hơn thương lái mua tại vườn với mong muốn giảm bớt thiệt hại. “Với giá bán chưa đến 12.000 đồng/kg như bây giờ thì sẽ lỗ nặng. Để đỡ thiệt hại, chúng tôi đã chủ động thu hoạch rồi đem đến TP.HCM hay Bình Dương bán dọc đường. Dù biết là khó khăn nhưng đây là phương án mà chúng tôi nghỉ đến lúc này”, anh Hoàng - một hộ dân trồng chôm chôm tại xã Bàu Sen (TP.Long Khánh) cho hay.
Tương tự, nhiều hộ dân trồng sầu riêng vào thời điểm này cũng đang thấp thỏm lo âu, bởi sầu riêng năm nay không còn giữ mức giá cao như các vụ trước. Theo các hộ dân, nếu như cách đây một thời gian thương lái vào tận vườn thu mua sầu riêng Thái 65.000 đồng/kg, Ri6 55.000 đồng/kg thì đến hiện tại, 2 loại này lần lượt có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Quỳnh Như, trú tại huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết, những năm trước, sầu riêng thường được thương lái mua trọn vườn, giá cao vào đầu vụ, ổn định ở chính vụ, rồi giảm dần ở cuối vụ. Tuy nhiên, cách đây hơn nửa tháng sầu riêng đã bắt đầu thu hoạch nhưng hầu như không có thương lái đi đặt cọc, giá sầu riêng giảm đột ngột.
“Hiện giá sầu riêng bán tại vườn chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg, mức giá này đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây sầu riêng tại địa phương đa phần đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng do dịch bệnh nên không thể chuyển sang nước ngoài được. Nếu nguyên vụ giá cứ thấp hoặc thấp hẳn sẽ khiến nông dân lỗ nặng”, bà Như cho hay.
Khảo sát tại các nhà vườn, khoảng nửa tháng trở lại đây, giá trái cây hè liên tục giảm mạnh. Cụ thể, hiện giá sầu riêng hạt lép bán tại vườn chỉ còn 27.000-29.000 đồng/kg; chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn còn từ 8.000 -12.000 đồng/kg, chôm chôm thường dưới 5.000 đồng/kg... Mức giá này đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại bơ, măng cụt... cũng đồng loạt xuống giá dù nhiều khu vực đã vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn quá dồi dào.
Thương lái Huỳnh Thị Minh, chuyên thu mua trái cây cho biết từ đầu năm đến nay do dịch Covid-19 nên việc thu mua, tiêu thụ trái cây tươi gặp khó khăn. Lượng tiêu thụ giảm mạnh khiến trái cây bị mất giá.
“Năm nay, trái cây có sản lượng nhiều nhưng lại khá xấu và nhỏ do khô hạn kéo dài. Ngoài ra, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu, có giai đoạn hầu như không xuất hàng được. Sức tiêu các mặt hàng trái cây tươi cũng gặp khó khăn ở cả thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân chính đầu ra của các sản phẩm trái cây khó khăn hơn nhiều", chị Minh nói.
Nâng cao chất lượng để tìm thị trường mới ngoài Trung Quốc
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, sản lượng cây ăn trái của tỉnh khá lớn. Trong đó, chôm chôm đạt 10.000 ha, thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc với tỷ lệ xuất khẩu của chôm chôm Java chiếm từ 55-60% tổng sản lượng, chôm chôm Thái chiếm từ 25-30%. Còn lại xuất khẩu sang Campuchia và Trung Đông cùng thị trường nội địa.
Tương tự, đối với sầu riêng trên địa bàn tỉnh đang cho thu hoạch trên 4.000 ha với sản lượng thu hoạch dự kiến đạt trên 39 ngàn tấn/vụ. Cao điểm thu hoạch của sầu riêng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc chiếm 70% sản lượng, chủ yếu vẫn xuất sang đường tiểu ngạch. Toàn tỉnh cũng có gần 5,6 ngàn ha mít, diện tích thu hoạch trên 3.000 ha với sản lượng gần 55.000 tấn/năm, 80-85% tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu trái cây.
Thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tươi kêu cứu vì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị đình đốn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chia sẻ đều này trên báo giới, Sở Công thương Đồng Nai cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế. Nhiều nông sản có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đã xảy ra tình trạng bị ùn ứ, rớt giá, đây là bài toán khó về đầu ra. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh và các địa phương phải ngồi lại đánh giá, rà soát về sản lượng những nông sản chủ yếu xuất khẩu để có giải pháp ứng phó trong thời gian sắp tới.
Tại Hội nghị bàn giải pháp ứng phó với tình hình khó khăn trong xuất khẩu nông sản của ngành Công thương các tỉnh phía Nam, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HHCM chia sẻ, khi gặp khó khăn về xuất khẩu, các tỉnh trông chờ vào thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất là TP.HCM.
Nhưng thực tế, cán cân cung – cầu ở thị trường này đã cân bằng, các loại trái cây tươi lại không phải là mặt hàng thiết yếu nên rất khó tăng thêm lượng tiêu thụ so với nhu cầu hiện có. Bà Trang góp ý: “Sau hàng loạt nông sản kêu cứu là bài học để nông dân quyết tâm chuyển sang sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính khác ngoài Trung Quốc. Mặt khác, đầu tư cho bảo quản, chế biến cũng góp phần giảm bớt áp lực đầu ra cho rau củ, trái cây tươi”.
Báo cáo mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục lao dốc khi giá trị kim ngạch trong tháng 5 chỉ đạt 275 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2019. Dù giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường đều có sự tăng trưởng, song xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc (thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 60,8% thị phần) trong 4 tháng đầu năm nay lại giảm hơn 29% so cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,1 tỷ USD. Đáng chú ý, một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực đều có xu hướng giảm mạnh. Đơn cử, xuất khẩu thanh long (chiếm 34,6% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) giảm 7,7%; dưa hấu đạt 30,9 triệu USD giảm 40%; sầu riêng đạt 18 triệu USD, giảm 84%, nhãn đạt 17,5 triệu USD giảm 81%...
Thị trường xuất khẩu ngưng trệ dịch Covid-19 ở các nước vẫn diễn biến phức tạp, trong khi tại nhiều địa phương nguồn cung lại tăng mạnh khiến giá trái cây đồng loạt giảm mạnh. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025