Giải bài toán phục hồi sản xuất công nghiệp
Cơ hội việc làm đầy thách thức hậu COVID-19 / Thừa Thiên Huế: Ông lão nhặt lá rừng về làm nón trong suốt, chỉ che mưa không che... nắng
Báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 5 tháng đầu năm nay ước tính chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%), đóng góp 2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Xem lại nguyên nhân
Dịch Covid-19 trên thế giới đã dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn ở Việt Nam, từ đó đã gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm nay giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình như sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%, sản xuất đồ uống giảm 14,6%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12%, chế biến gỗ giảm 6,9%, sản xuất trang phục giảm 6,7%...
Hoặc một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu như ô tô giảm 26,9%, xe máy giảm 15,6%, đường kính giảm 25,4%, dầu thô khai thác giảm 13,7%, vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 11,4%, sắt thép thô giảm 9,7%, quần áo mặc thường giảm 8,2%, giày dép giảm 6,7%, điện thoại di động giảm 5,4%...
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh xoay quanh bài toán phục hồi sản xuất công nghiệp hậu Covid-19, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng cần xem xét lại trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam thì những lĩnh vực nào hiện nay bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch.
Đồng thời, phải phân tích 2 nguyên nhân. Thứ nhất là những trường hợp “nguyên thuỷ” không có dịch nhưng sản xuất vẫn khó khăn, bế tắc. Đó chính là đa số doanh nghiệp (DN) nội địa thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ, quen làm ăn ngắn hạn, không có giải pháp lớn thì thường vẫn gặp vấn đề này.
Và dịch Covid-19 như tiếp thêm sự suy sụp của những DN đó khi cắt đứt các chuỗi thành từng khúc riêng biệt. Chẳng hạn như chuỗi nguyên liệu bị tê liệt, chuỗi sản xuất thì không có công nhân đi làm…
Thứ hai là sau khi biết được nguyên nhân thiệt hại, lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần phải có giải pháp tương thích. Nếu như trong ngắn hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sẽ có giải pháp tương ứng.
Còn nếu không có dịch mà vẫn bị thiệt hại, có nghĩa là do chuỗi cạnh tranh và chuỗi bán hàng của DN Việt bị yếu kém và không có sức cạnh tranh.
Đối với những trường hợp sản xuất bị thiệt hại do dịch Covid-19, nên có giải pháp ngắn hạn. Khôi phục lại sản xuất là tìm kiếm vùng nguyên liệu và những khu vực sản xuất phù hợp với yêu cầu mới của Chính phủ và an toàn cho lâu dài.
Cơ hội tái cấu trúc toàn chuỗi
Còn với những nhà sản xuất có dịch hay không có dịch cũng đã yếu rồi, đây là cơ hội để “tái cấu trúc toàn chuỗi”. Tức là xem xét lại trong toàn bộ chuỗi sản xuất của DN mình là yếu ở khâu nào, nếu như có những khâu quá yếu thì cần nhất thiết phải ngắt bớt.
“Chẳng hạn, có những nhà sản xuất làm ra quá nhiều sản phẩm thì cần xem lại những sản phẩm nào không có đầu ra, bán không ai mua, không cạnh tranh được thì nên ngưng lại. Sau đó, DN có thể dồn sức sản xuất cho những sản phẩm hoặc một sản phẩm duy nhất mà có sức cạnh tranh, có thị trường, có thị phần trong và ngoài nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thực tế, nhìn từ báo cáo của Tổng cục Thống kê sẽ thấy tình hình sản xuất công nghiệp hậu Covid-19 đang phục hồi dần. Như trong tháng 5/2020, hoạt động sản xuất toàn ngành công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số IIP ước tính tăng 11,2% so với tháng 4 dù cho vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn trong kết quả khảo sát mới đây về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng(PMI) của Việt Nam, dù đã tăng 10 điểm trong tháng 5/2020 (đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục là 32,7 điểm của tháng 4/2020), một số ý kiến vẫn quan ngại con đường hồi phục sẽ còn dài khi mà lĩnh vực sản xuất vẫn suy giảm vào thời điểm giữa quý II của năm nay, dù cho mức giảm đã nhẹ hơn nhiều so với mức kỷ lục của tháng 4.
Có thể nói, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng rõ ràng dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép”: thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Để giải bài toán phục hồi sản xuất công nghiệp trong lúc này, Bộ Công Thương khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các DN FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Còn theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, đây là cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa nhìn nhận lại năng lực thực sự của mình, nhất là với những DN có quy mô nhỏ và “sao chép” hoạt động sản xuất lẫn nhau. Để từ đó, họ cần những giải pháp sản xuất mang tính bền vững hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Hậu Covid-19 là cơ hội để DN Việt tái cấu trúc toàn chuỗi sản xuất