Hiệp định VIFTA mở thêm “cánh cửa” cho xuất nhập khẩu Việt Nam
Lãi suất huy động tại 4 ngân hàng lớn về mức thấp nhất trong vòng 1 năm / Quyết liệt tháo gỡ 4 vướng mắc chính cho doanh nghiệp
Thị trường nhỏ nhưng cơ hội lớn
Sau 7 năm đàm phán, ngày 25/7 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) đã chính thức được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat tại Văn phòng Thủ tướng Israel.
Chia sẻ về FTA thứ 18 này của Việt Nam, PGS,TS Ngô Trí Long cho biết, mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức. Với VIFTA, chúng ta phải xem xét tiềm năng của Israel như thế nào để nhận biết cơ hội.
Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của nước ta, có nghĩa vào khoảng gần 10 triệu dân. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55 nghìn USD/năm. Hoạt động thương mại của Israel bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó nhập siêu là chủ yếu.
"Có thể nói, tuy là đất nước nhỏ bé nhưng tiềm năng kinh tế của Israel rất mạnh. Từ việc ký kết FTA với Israel, Việt Nam cần tận dụng cơ hội và tiềm năng này", chuyên gia nói.
Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên của Israel rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Theo số liệu được công bố, hằng năm, Israel có kim ngạch nhập khẩu khoảng 35 tỷ USD đối với mặt hàng tiêu dùng. Trong khi đó, ngành hàng này lại là một trong những thế mạnh của Việt Nam.
Được biết, hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đang có xu hướng tăng. Nếu như năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, năm 2021 tăng lên 2,3 tỷ USD, thì năm 2022 đã lên đến 2,6 tỷ USD và xu hướng trong năm nay sẽ tăng nữa.
Hiện có khoảng 70 mặt hàng mà Việt Nam có thể xuất khẩu được sang Israel. Đây là lợi thế, cơ hội rất lớn.
Thêm cánh cửa mở rộng xuất khẩu
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, mỗi một FTA sẽ đem lại những cơ hội và thách thức khác nhau. VIFTA là cơ hội rất lớn, mở ra "cánh cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp Việt biết tận dụng thế mạnh, vị thế của Việt Nam trong hoạt động kinh tế quốc tế sẽ được nâng tầm. Song, thách thức của việc ký kết VIFTA là về năng lực cạnh tranh.
Ở góc độ hiệp hội DN, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP Hồ Chí Minh chia sẻ, xuất khẩu của ngành da giày 6 tháng đầu năm nay, đơn hàng của doanh nghiệp giảm tới 30 - 40%. Các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, việc có thêm một thị trường mới như Israel giúp ngành da giày có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị.
VIFTA sẽ mở ra "cánh cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tại thị trường Israel và Trung Đông.
Hiện nay, trong cơ cấu xuất khẩu sang thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp da giày Việt Nam có thể khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, thị trường Isarel còn là cửa ngõ tiềm năng, mở ra cơ hội hợp tác xuất khẩu da giày vào thị trường Mỹ.
Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn cho biết, mặc dù hiện tại lượng sản phẩm nội thất xuất khẩu qua Isarel chưa nhiều, song với VIFTA sẽ mở thêm cơ hội cho các DN gỗ trong tương lai gần để tiếp cận thị trường này.
Thêm vào đó, khác với những thị trường mà Việt Nam đã có FTA, thị trường Isarel chủ yếu là các DN vừa và nhỏ nên DN Việt có thể hợp tác cùng họ để thành lập công ty tại nước này. Thông qua hợp tác, DN Việt sẽ hiểu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng cũng như cách đưa ra được những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng nước này. Ngoài ra, Isarel cũng sẽ là cầu nối tốt để chúng ta tiếp cận thị trường khu vực Trung Đông và Mỹ.
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, việc ký kết VIFTA thời điểm này có ý nghĩa lớn với DN thủy sản.
Lý do, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản, thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao.
Israel là nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực lao động trong nước hạn chế, dù là nước nhỏ nhưng nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các DN thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Các thống kê cho thấy, hàng năm, Israel thuộc trong top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…
Cũng theo ông Hòe, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Chính vì thế theo lộ trình giảm thuế mà hiệp định này đưa ra sẽ tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Đáng lưu ý, không chỉ tại thị trường Israel, dự kiến FTA Việt Nam - Israel được ký kết còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận thị trường
Theo các hiệp hội, do VIFTA mới được ký kết nên hiểu biết của DN còn hạn chế. Do vậy, Bộ Công Thương cần tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại để giúp DN tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá kỹ thị trường trước khi đưa sản phẩm xuất khẩu tới nước này.
Để thâm nhập thị trường Isarel, các hiệp hội sẽ dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các DN. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như EVFTA, CPTPP… các hiệp hội tin tưởng, các DN thành viên sẽ tận dụng được lợi thế từ FTA với Isarel.
Đưa ra khuyến nghị cho cộng đồng DN, PGS,TS Ngô Trí Long cho rằng, để tận dụng VIFTA một cách có hiệu quả DN Việt phải chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, DN cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.
Các DN hoạt động phải chuyên nghiệp hơn bởi vì Israel là đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, có điều kiện tốt. Nếu chúng ta không chuyên nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận với họ. Hơn hết, khoa học kỹ thuật của Israel rất phát triển, cho nên những mặt hàng tiêu dùng mà Việt Nam xuất khẩu sang phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Tôi muốn đưa ra 2 lời khuyên để DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội VIFTA một cách có hiệu quả. Đó là phải chủ động tiếp cận thị trường và chuyên nghiệp trong xuất nhập khẩu", chuyên gia Ngô Trí Long nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025