Khách hàng chịu quá nhiều phí do ngân hàng thu 'chưa thông minh'?
"Ngấm đòn" Covid-19, nợ xấu ngân hàng phình to / Ngân hàng Thế giới lạc quan về kinh tế Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19
Ở Việt Nam, khách hàng của các ngân hàng chịu quá nhiều loại phí.
Lấy dẫn chứng từ ngân hàng Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, ở Việt Nam, khách hàng của các ngân hàng chịu quá nhiều loại phí. Đây chính là một trong những yếu tố gây trở ngại đến thanh toán không dùng tiền mặt.
Khách hàng chịu quá nhiều phí
Mua một chiếc bút mực cho con với giá 35.000 đồng nhưng trong ví chỉ còn 30.000 đồng, nên anh Sơn Hùng (Hà Nội) định chuyển khoản để thanh toán hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, sau một hồi cân nhắc, anh Hùng đổi sang chiếc bút giá trị thấp hơn.
“Nếu chuyển khoản, tôi phải mất thêm 7.700 đồng tiền phí, tức là 20% giá trị món hàng, còn trả tiền mặt thì không mất thêm đồng nào. Vì vậy, tôi đổi sang mua chiếc bút có giá 27.000 đồng để thanh toán bằng tiền mặt”, anh Hùng chia sẻ.
Trường hợp của anh Hùng không phải là cá biệt. Và đây cũng chính là một lý do khiến việc phát triển thanh toán phi tiền mặt gặp trở ngại trong thời gian qua.
Thực tế tại Viettel Post, thanh toán không dùng tiền mặt tuy có cải thiện song vẫn còn rất chậm, đa phần đơn hàng vận chuyển của công ty đều dưới hình thức nhận hàng - trả tiền (COD). Ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel Post cho hay, theo phản ánh của khách hàng, nguyên nhân lớn nhất khiến họ ngại thanh toán không dùng tiền mặt là mất thêm phí chuyển khoản liên ngân hàng.
Chính vì vậy, ông Sơn kỳ vọng, các ngân hàng thương mại cần giảm thêm phí dịch vụ thẻ để khuyến khích người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhìn nhận về thực tế này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay, các ngân hàng đang đưa ra rất nhiều loại phí như: phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền, phí rút tiền…khiến khách hàng ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Theo ông Hiếu, khách hàng gửi tiền vào thẻ ATM, các ngân hàng sử dụng chính số tiền đó để sinh lợi. Vì vậy, ngân hàng sẽ trả lại cho khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ cho khách hàng.
“Trong đề án tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không nên “độc canh tín dụng” và tìm kiếm lợi nhuận từ phí dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế nhiều ngân hàng vẫn “tận thu”. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt, ngân hàng càng nên hỗ trợ khách hàng bằng cách giảm tối đa các loại phí dịch vụ thẻ. Thay vào đó, ngân hàng nên tăng cường các loại phí khác như phí bảo lãnh, bởi đó là nguồn thu tốt", ông Hiếu cho hay.
Ngân hàng kêu “oan”
Dưới góc nhìn của một ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV phản biện, việc thu phí của các ngân hàng Việt Nam hiện nay không hề cao.
Cụ thể, tỷ trọng thu từ phí của các ngân hàng Việt Nam, trong đó có cả ngân hàng lớn như BIDV, không quá 10% trong tổng thu nhập của ngân hàng, là mức rất thấp. Ngoài ra, việc thu phí của ngân hàng không phải là lợi nhuận. Hiện tại, với một giao dịch chuyển khoản, ngân hàng đã phải chi ra thấp nhất là 5.000 đồng. Như vậy, so với mức chi phí thu từ khách hàng, khoản phí thực nhận của ngân hàng là không có.
Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, cách thu phí của các ngân hàng hiện nay "chưa thông minh". Tức là các ngân hàng đang cào bằng trong việc thu phí của tất cả các khách hàng thay vì có sự phân loại theo hướng thu của ai, thu vào thời điểm nào và loại dịch vụ gì? Do đó, mới dẫn đến việc một giao dịch 10.000 đồng mà phí mất tới 30% giá trị món hàng.
Cũng theo ông Thắng, các ngân hàng cũng đã nhìn nhận ra vấn đề này và sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, nếu nói ngân hàng tại Việt Nam thu nhiều phí là cũng hơi “oan”.
Ví dụ tại Mỹ, họ thu ít loại phí nhưng “thu ra thu” và cách thu của họ khiến cho người tiêu dùng dễ chịu hơn. Chẳng hạn như phí quản lý tài khoản sẽ thu dựa theo mức duy trì số dư tài khoản của khách hàng…
Trong khi đó, tại Việt Nam, thu nhập của người dân còn thấp, nếu thu một khoản tiền lớn một lúc thì người dân sẽ rất e ngại tiếp cận, nên các ngân hàng cũng khó khăn. Do đó, các ngân hàng trong nước cần chia nhỏ các dịch vụ.
Song thực tế, thu phí của ngân hàng chỉ mới đủ bù đắp chi phí, chưa có lợi nhuận. "Ví dụ, với một giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, chúng tôi phải gửi 3 tin nhắn cho khách hàng, đồng nghĩa phải trả 2.700 đồng/giao dịch cho nhà mạng, cộng thêm trả 2.500 đồng/giao dịch cho Napas, như vậy tổng chi phí đã lên tới trên 5.000 đồng/giao dịch. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ cần phải cải thiện vấn đề này", ông Thắng khẳng định.
Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng đã giảm mạnh các loại phí để hỗ trợ khách hàng, như đưa ra các gói giao dịch với phí 0 đồng.
"Tới đây, khi khách hàng chuyển sang sử dụng ngân hàng số nhiều hơn, ngân hàng sẽ có nguồn thu từ số dư của các tài khoản nhiều hơn, trên cơ sở đó ngân hàng có thể khai thác nguồn vốn nhàn rỗi này. Tôi nghĩ đó là cách sẽ được nhiều ngân hàng triển khai và phù hợp với xu thế thế giới. Thanh toán sẽ trở thành một loại hàng hóa bình thường chứ không phải nguồn thu lợi của hệ thống, mà ngân hàng sẽ phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng khác như bảo hiểm, bán chéo sản phẩm…", ông Thắng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025