Khoảng 2 năm tới, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư mở rộng tại Việt Nam
DNVN - Dẫn khảo sát của Jetro, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, trong 1 - 2 năm tới, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Hai nền kinh tế Việt - Nhật còn nhiều dư địa hợp tác trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng, phát triển xanh...
Kiến nghị xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay sản xuất và tiêu dùng / Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực sụt giảm mạnh
Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản với chủ đề "Khả năng mới của mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản hướng tới tương lai" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hỗ trợ, đầu tư từ phía Nhật Bản. (Ảnh: VGP)
Dẫn khảo sát của Jetro, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, trong 1 - 2 năm tới, hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Người Việt Nam đi nước ngoài hoạt động, lao động, học tập, nghiên cứu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Nhật Bản. Hiện số người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới gần 500 nghìn người. Điều này minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, bước sang thập kỷ thứ 5 của quan hệ song phương, tiềm năng hợp tác của hai nước còn nhiều dư địa. Là hai nước Đông Á, hai quốc gia biển, hai nền kinh tế Việt - Nhật có tính bổ sung cao, còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng và phát triển xanh.
Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp FDI nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo và đóng góp đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
"Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa với Việt Nam vì lợi ích chung của hai nước, của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội thảo, hai bên đã trao đổi tập trung vào các nội dung chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; hợp tác về năng lượng. Đồng thời đánh giá về hợp tác phát triển, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản và định hướng cho tương lai. Đánh giá về Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn 8 và định hướng giai đoạn 9.
Các diễn giả của phía Nhật Bản và Việt Nam đã có nhiều chia sẻ đối với những khả năng mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến tương lai, trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi vượt bậc trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, đó là những thách thức đặt ra đối với một nước còn ít kinh nghiệm như Việt Nam.
Nhân dịp này, 3 đồng chủ tịch Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã ký biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo