Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất thanh tra thị trường vàng
Lộ trình tăng giá điện cần ít tác động đến đời sống, sản xuất, kinh doanh / Triển lãm khí hoá lỏng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương sắp diễn ra tại Hà Nội
Sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, phía NHNN cho biết, tiếp tục nhận được hàng loạt chất vấn của cử tri tại nhiều tỉnh thành liên quan đến quản lý thị trường vàng.
Kết quả thanh tra thị trường vàng, cũng như tiến độ đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường, vẫn luôn được dư luận quan tâm. Trả lời câu hỏi của cử tri Thái Nguyên, An Giang, đại diện NHNN cho biết: Thời gian tới, sẽ tiếp tục thanh tra thị trường vàng và đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa Nghị định 24.
Thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/9, ở mức 2.700 USD/ounce. Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế. Từ mức chênh lệch khoảng trên dưới 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 - 2021; từ cuối năm 2021 tới giữa năm 2024, chênh lệch giá trong nước so với thế giới tăng cao và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng (khoảng 25%). Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành vàđịa phương, triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, NHNN đã chỉ đạo NHNN các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương. Yêu cầu các TCTD, các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
NHNN cũng đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.
Đặc biệt, NHNN đã tổ chức đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường...
“Với những giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể (ngày 25/9, chênh lệch khoảng 4 triệu đồng/lượng)”, đại diện NHNN cho biết.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).
Đồng thời, hiện nay, NHNN đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.
Trước đó vào tháng 5/2024, NHNN đã tổ chức công bố Quy định số 324/QĐ trong việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Đối tượng thanh tra bao gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Mới đây, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với PNJ với số tiền xử phạt 1,34 tỷ đồng. Theo đó, PNJ có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng như: ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền; và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
Ngày 11/10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 82,5 triệu đồng/lượng, 84,5 triệu đồng/lượng bán ra, ổn định so với phiên giao dịch hôm trước. Giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.634,9 USD/ounce, quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 80,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch quanh 81,5 triệu đồng/lượng mua vào, 82,8 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi chiều mua vào nhưng tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng bán ra. Dù biến động trong vùng hẹp, giá vàng miếng SJC đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua; còn vàng nhẫn ở vùng cao nhất từ trước tới nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo